Đừng để mất mạng vì không biết cách sơ cứu cầm máu

Theo các bác sĩ, việc sơ cấp cứu, cầm máu ban đầu rất quan trọng bởi chảy máu quá nhiều không được sơ cứu có thể làm cho nạn nhân bị choáng, dẫn đến tử vong, nếu không sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn tại chỗ và toàn thân.

Đa số các chấn thương nhẹ gây chảy máu như vết cắt, vết trầy thường không nghiêm trọng. Trường hợp động mạch hoặc tĩnh mạch lớn bị tổn thương, ví dụ tĩnh mạch cảnh ở cổ, động mạch ở đùi thì nạn nhân có thể bị chảy máu trầm trọng, tính mạng bị đe dọa. Sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể góp phần cứu sống người bệnh.

Sau đây là hướng dẫn chi tiết cách sơ cấp cứu cầm máu cho nạn nhân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: 

Có hai dạng mất máu gồm chảy máu trong và chảy máu ngoài xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt do các vật sắc nhọn đâm vào da, phần mềm, xương bị gãy đâm ra ngoài làm rách da, phần mềm, rách đứt mạch máu hoặc các chấn thương gây tổn thương nội tạng dẫn tới tình trạng chảy máu trong.

1. Chảy máu ngoài:

- Rách da, phần mềm;

- Máu chảy từ vết thương ra ngoài da;

- Dấu hiệu toàn thân: vã mồ hôi, lạnh, da xanh tái.

2. Chảy máu trong:

Máu từ vết thương chảy vào các khoang bên trong cơ thể (bụng, ngực, não), do tổn thương gan, lách, phổi… vì vậy sẽ không quan sát thấy hình ảnh trực tiếp của chảy máu trong.

Chảy máu trong có các dấu hiệu:

- Đau vùng tổn thương;

- Vã mồ hôi, lạnh, da xanh tái, khát nước;

- Sốc, choáng do mất máu;

- Có thể thấy máu rỉ ra ở ngoài từ các hốc tự nhiên: Mũi, miệng, tai, âm đạo…

- Có thể có máu trong chất nôn, nước tiểu, trong phân.

Cách xử trí:

1. Chảy máu ngoài:

a. Vết thương chảy máu nhiều không có dị vật:

- Không tiếp xúc trực tiếp với máu bằng cách đeo găng tay cao su, nylon và vật dụng thay thế;

- Dùng gạc, vải sạch, ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt để cầm máu;

- Băng ép trực tiếp tại vết thương.

Băng ép vết thương và giữ chặt để cầm máu. Ảnh: Internet

- Kê cao chân, ủ ấm để phòng choáng;

- Đỡ nạn nhân nằm để làm giảm lượng máu chảy đến các vết thương;

- Kiểm tra đầu, chi sau khi băng;

- Nếu máu vẫn chảy thấm qua băng thì chồng lên băng khác. 

b. Khi vết thương chảy máu nhiều có dị vật:

- Không rút dị vật;

- Mang găng tay;

- Ép chặt mép vết thương;

- Chèn băng, gạc quanh dị vật và băng cố định (không băng trùm qua dị vật);

- Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Không rút dị vật và chèn băng, gạc cố định quanh dị vật. Ảnh: Internet

2. Chảy máu trong:

- Đặt nạn nhân nằm đầu thấp;

- Đắp ấm nạn nhân;

- Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

3. Chảy máu cam:

- Đỡ nạn nhân ngồi cúi người về phía trước;

- Dùng hai ngón tay bóp nhẹ hai bên cánh mũi khoảng 10 phút, khuyên nạn nhân thở bằng miệng;

- Sau 10 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy phải chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Nguyên tắc băng bó vết thương

- Phủ gạc, vải sạch và băng kín vết thương;

- Không băng quá chặt gây nguy cơ tắc tuần hoàn hoặc quá lỏng;

- Kiểm tra lưu thông máu sau khi băng.

Một số kiểu băng ép vết thương thường gặp. Ảnh: HCTĐ 

- Cố định (neo) băng bằng cách gấp mép băng và quấn hai vòng chồng lên nhau.

- Vòng băng sau chồng lên 2/3 vòng băng trước;

- Băng từ phần cơ thể nhỏ đến phần cơ thể to hơn;

- Khóa hai vòng sau khi băng kín vết thương.

Lưu ý khi cầm máu

-  Phải mang găng tay khi sơ cứu cho nạn nhân;

-  Không được tự ý rút dị vật trong vết thương;

-  Nâng cao chân, tay khi có vết thương và đắp ấm để phòng choáng khi chảy nhiều máu;

-  Không cho nạn nhân uống nước khi chảy máu;

-  Kiểm tra đầu ngón tay/chân sau khi băng ép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm