Đừng để một chính sách nhân văn bị bỏ ngỏ!

(PLO)- Dù số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 27/2021 không nhiều nhưng đó là sự chia sẻ, động viên rất lớn cho công nhân lao động vì họ đang đóng góp từng ngày cho sự phát triển của TP.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) đã có những buổi khảo sát về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp (KCN).

Đây là nghị quyết thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách cho các cơ sở mầm non, giáo viên trong địa bàn có KCN và trẻ mầm non là con em của công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN.

Các địa bàn được đoàn chọn khảo sát đều là những “điểm nóng” của TP về quá tải trường lớp, đông công nhân, người lao động nhập cư vì nơi đó có hoặc giáp ranh KCN.

Thế nhưng sau gần 1,5 năm từ khi Nghị quyết 27 được ban hành, đến nay kinh phí hỗ trợ đến được với người dân vẫn còn rất hạn chế, việc thực hiện cũng chưa đồng bộ.

Một giờ học của cô trò Trường mầm non Tân Đông (TP Thủ Đức). Ảnh: PHẠM ANH
Một giờ học của cô trò Trường mầm non Tân Đông (TP Thủ Đức). Ảnh: PHẠM ANH

Cụ thể như TP Thủ Đức có đến bốn KCN, khu chế xuất (KCX) đang hoạt động. Hiện TP này đã thực hiện hỗ trợ cho 3.679 trẻ mầm non là con công nhân, người lao động trong KCN, KCX và chíncơ sở mầm non, 107 giáo viên trong địa bàn có KCN, KCX với tổng kinh phí hơn 3,1 tỉ đồng.

Trong khi đó, quận 12 đến nay chỉ có 104 trẻ, ba giáo viên được thụ hưởng chính sách này. Đặc biệt hơn là ở quận Tân Bình, thống kê đến tháng 3-2023, quận mới chỉ nhận được 30 hồ sơ là trường hợp trẻ có cha mẹ làm việc ở KCN bên ngoài quận. Đáng nói, hiện những hồ sơ này vẫn đang trong quá trình thẩm định trước khi duyệt chi hỗ trợ.

Trở lại thời điểm Nghị quyết 27 được ban hành cuối năm 2021, khi đó TP.HCM vừa trải qua đại dịch COVID-19 gây thiệt hại, mất mát nghiêm trọng về người và của. Bên cạnh chính sách không thu học phí của TP, nghị quyết này đã góp phần chia sẻ bớt gánh nặng, lo toan cho người lao động khi trở lại làm việc. Bởi TP.HCM hiện có khoảng 300.000 người lao động tại 3 KCX, 14 KCN là con số không nhỏ.

Thế nhưng điều khiến đoàn giám sát không khỏi ngạc nhiên là ở ngay những địa bàn đông công nhân lao động mà số hồ sơ thuộc diện hỗ trợ lại chỉ vài chục hay vài trăm.

Một thành viên trong đoàn giám sát thẳng thắn: “Khi đi thực tế, tôi không hỏi lãnh đạo cơ sở. Tôi ghé thăm từng lớp, hỏi từng giáo viên rằng có trẻ nào trong lớp được nhận hỗ trợ này không thì lại nhận được câu trả lời là họ cũng không biết nữa. Rồi trường nói có dán thông báo đầy đủ nhưng phụ huynh chưa quan tâm. Điều đó cho thấy chúng ta nỗ lực triển khai, tuyên truyền rộng rãi nhưng chưa sâu”.

Rõ ràng dù nghị quyết thiết thực và nhân văn đến đâu nhưng muốn triển khai thành công không thể chỉ có nỗ lực của từng quận, huyện, từng đơn vị hay cá nhân nào mà phải cần sự phối hợp, hỗ trợ và trách nhiệm cùng nhau.

Bởi hiệu quả của bất kỳ một chính sách nào thì quan trọng nhất là phải đến được tai người dân. Từng người dân phải được biết, được hiểu và được hướng dẫn làm, nhất là với công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đó là sự chia sẻ, động viên rất lớn cho họ vì họ cũng đang đóng góp từng ngày cho sự phát triển của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm