Đừng để sân bóng “phủi” là nơi dung dưỡng bạo lực!

(PLO)- Hãy thôi ngay bạo lực trong bóng đá, bởi bóng đá vốn đẹp đẽ, mang tính kết nối chứ không phải ngẫu nhiên mà nó được cả thế giới tôn vinh là môn thể thao Vua, bởi tính phổ biến và những giá trị nó mang lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ việc 1 nhóm thanh thiếu niên lao vào đánh nhau trên sân cỏ tại phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) chưa lắng xuống thì mới đây trên địa bàn thành phố lại thêm một vụ hành hung cũng trong một trận bóng đá phủi khiến hai người nhập viện điều trị vào tối 5-9.

Nhiều vụ hành hung trên sân bóng phủi

Trước đó, từ đêm 3-9, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại vụ một nam thanh niên mặc đồ thể thao bị nhóm người cũng mặc đồ thể thao, mang giày giẫm đạp, hành hung.

Thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng khoảng 11h ngày 2-9 trong một sân bóng đá tại phường Bình Chiểu, ở giải đá bóng phong trào theo kiểu tự phát. Nhóm thanh, thiếu niên liên quan thuộc hai đội bóng tham gia trận chung kết.

Cầu thủ đối phương cố tình lao vào đạp một cầu thủ sau khi đã bị các cầu thủ khác đá, hành hung. Ảnh: Cắt từ clip

Cầu thủ đối phương cố tình lao vào đạp một cầu thủ sau khi đã bị các cầu thủ khác đá, hành hung. Ảnh: Cắt từ clip

Sau một tình huống tranh chấp bóng giữa người mặc áo xanh và người mặc áo đỏ, bất ngờ người mặc áo đỏ đạp thẳng vào người mặc áo xanh, khiến người này nằm ra sân và tỏ ra vô cùng đau đớn. Dù trọng tài cho dừng trận đấu và một số người vào can ngăn nhưng người mặc áo đỏ và một số người khác vẫn tiếp tục hành hung người đang nằm trên sân. Được biết, Công an phường Bình Chiểu đã mời nhóm thanh, thiếu niên lên trụ sở nhưng chỉ mới một người đến làm việc.

Vụ việc trên chưa lắng xuống thì mới đây, lại thêm một vụ hành hung mang tính chất nghiêm trọng hơn đã diễn ra trên sân bóng phủi tại phường Phước Long B (TP Thủ Đức) khiến hai người nhập viện. Theo hình ảnh camera ghi lại, vào khoảng 19 giờ ngày 5-9, một nhóm khoảng 20 người là cầu thủ đá bóng chung một đội và bạn bè đã rượt đuổi và đánh hội đồng hai cầu thủ của đội đối phương. Hậu quả, anh BMT bị đánh đến bất tỉnh và anh PGQ bị đối thủ hành hung dẫn tới bị cắn đứt một phần tai, cả hai được các đồng đội đưa đi cấp cứu sau khi các đối tượng hành hung đã rời đi.

Hai vụ việc liên tiếp trên, và còn nhiều vụ việc diễn ra trước đó như một hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực trên sân bóng đá phủi thời gian gần đây mà nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc thi đấu.

Đừng để những trận bóng phải giải quyết bằng bạo lực

Bóng đá vốn đẹp đẽ, mang tính kết nối. Không phải ngẫu nhiên mà bóng đá được cả thế giới tôn vinh là môn thể thao Vua, bởi tính phổ biến và những giá trị nó mang lại. Trong bài viết này, người viết chỉ đề cập tới góc độ những cầu thủ “phủi”, lấy những trận bóng là nơi giao lưu vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng, là nơi rèn luyện sức khỏe trước khi về với gia đình sau một ngày tất bật nỗi lo cơm áo gạo tiền, hay là những trận bóng theo kiểu… chia tiền sân và vui cả làng.

Ấy vậy mà, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhoi, những pha va chạm tưởng chừng như không có gì trên sân bóng, thì vẫn có những đôi chân sẵn sàng “tung cước” thay vì đá bóng, những đôi tay vẫn giáng những nắm đấm vào đối thủ của mình chỉ để thỏa mãn cơn tức giận mà không nghĩ tới hậu quả của nó.

Một cầu thủ bị đánh hội đồng dẫn đến nhập viện tại sân 79, Phước Long B. Ảnh: ĐT

Một cầu thủ bị đánh hội đồng dẫn đến nhập viện tại sân 79, Phước Long B. Ảnh: ĐT

Trước kia, mỗi lần có việc phải di chuyển quãng đường xa, mọi người trong gia đình, bạn bè và người thân luôn chúc nhau câu Thượng lộ bình an, để mong mỏi bình an đến với người thân của mình trong suốt hành trình ấy.

Nhưng nay thì sao, chỉ với việc ra sân đá bóng thôi, thì cũng đủ để lo ngay ngáy về độ an toàn sau những đường bóng lăn. Mâu thuẫn có thể đến bất kì lúc nào, sau những va chạm là những hành vi bạo lực, hành hung. Nhẹ thì nạn nhân bị xây xát, ê ẩm cơ thể, nặng thì bị đánh hội đồng dẫn tới nhập viện cấp cứu…thậm chí mang thương tật suốt đời. Rồi câu hỏi đặt ra ở đây là, còn đâu những trận bóng giải trí, rèn luyện sức khỏe?

Bóng đá là môn mang tính đối kháng cao, việc va chạm là điều khó tránh khỏi. Mỗi trận bóng đều được phân định thắng thua bằng tỉ số, chứ không phải so hơn thua bằng nắm đấm, bằng bạo lực. Họa chăng, họ nên chọn sàn đấu hay võ đài để hợp với suy nghĩ của mình hơn là ra sân khoác lên mình cái mác “cầu thủ”.

Hãy trả lại vẻ đẹp vốn có của bóng đá nói chung, và bóng đá phủi nói riêng. Những cái đầu nóng, thiếu suy nghĩ, những đôi tay đôi chân không thể tự kiểm soát hành vi hãy thôi khoác lên mình bộ quần đùi áo số để làm hoen ố đi hình ảnh của môn thể thao Vua này!

Lời khuyên

“Thứ nhất, nên lựa chọn những đội bóng quen biết để giao lưu thay vì tìm đối thủ trên các trang cáp kèo. Nếu được thì hỏi thêm chủ sân về “lí lịch” của đội đối thủ để đi tới quyết định có đồng ý thi đấu hay không. Hạn chế thi đấu các giải đấu không có sự cho phép của chính quyền, không đảm bảo an ninh. Luôn tỉnh táo, hành xử một cách văn minh sau những pha va chạm. Hầu hết các đội chủ động chơi xấu, hành xử bạo lực là đang ở thế thua trận dẫn tới cay cú, vì vậy cũng nên hạn chế lối đá đùa giỡn, coi thường đối thủ khi đã thắng cách biệt…”, một cầu thủ phong trào có tiếng tại TP.HCM đưa ra lời khuyên để hạn chế tối đa bạo lực trong thi đấu bóng đá phủi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm