Sáng 16-3, tọa đàm chống xâm hại tình dục trẻ em do báo Tiền Phong và Trường ĐH Văn Hiến tổ chức, ghi nhận ý kiến đáng chú ý.
Luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng nhiều vụ việc sau khi tố cáo rơi vào bế tắc do cán bộ bộ phận điều tra thiếu kỹ năng khi làm việc với trẻ em. Có người rất có kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm nhưng thiếu kinh nghiệm khai thác tâm lý trẻ em nên cứ hỏi dồn dập trẻ về điều gì đã xảy ra. Lúc đó các em sẽ sợ hãi và nói cho xong để được yên thân hoặc khai mỗi lúc mỗi khác, rất khó cho quá trình điều tra.
Theo TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, việc phụ huynh cứ bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại làm cho trẻ bị chấn thương tinh thần. Nhiều phụ huynh đang quá bất an với những chuyện xã hội, điều này làm trẻ nghi ngờ, không yên tâm với các mối quan hệ xung quanh. Không nên gieo vào đầu con trẻ những lo lắng không đáng có vì sẽ tạo tâm lý nghi ngờ với mọi thứ xung quanh. Hãy dạy trẻ biết tự bảo vệ mình, không nên dạy con nhìn đâu cũng thấy tội phạm, nơi nào cũng không an toàn. Khi bị xâm hại, nếu người lớn quá nôn nóng, báo chí vào cuộc quá đà, công an có quá nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại cũng làm quá sức chịu đựng của trẻ. Phụ huynh cần giáo dục con ngay trong những trò chơi, trong những cuộc nói chuyện hằng ngày.
BS tâm lý Hoàn Vũ Quỳnh Trang, BV Nhi đồng 1, cho rằng các bậc cha mẹ cũng cần có bác sĩ tâm lý sau khi con bị xâm hại. Cha mẹ không nên hôn môi con, không sờ vào vùng kín của trẻ, dù có bận rộn cách nào cũng nên có cuộc nói chuyện định kỳ với con. Như vậy đứa trẻ sẽ dễ nói với cha mẹ những điều mới xảy ra thay vì rất lâu sau mới nói. Giả sử có việc xâm hại thì thời điểm vàng thu thập chứng cứ đã bị trôi qua. “Tôi đã điều trị cho một bé gái chín tuổi bị hãm hiếp rách tầng sinh môn. Sau điều trị, bé đã vui đùa trở lại nhưng mẹ của bé rất hận thù, chỉ muốn tìm giết kẻ thủ ác. Thái độ này sẽ ảnh hưởng xấu tới trẻ” - bà Trang nói.
TS Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết đã xây dựng được một chương trình giáo dục giới tính nhằm trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ lứa tuổi tiểu học. Bà Trang và các cộng sự đã liên hệ các trường tiểu học để dạy miễn phí nhưng cũng gặp nhiều rào cản. “Có những trường học từ chối, khi giáo viên đề nghị hiệu trưởng đưa tiết học giáo dục giới tính thì họ hỏi: Dạy cái gì bậy bạ vậy? Không chỉ là vấn đề nhận thức mà họ còn sợ áp lực từ các cấp quản lý. Có trường yêu cầu chúng tôi phải đi xin giấy giới thiệu của phường mới được vô dạy” - bà Trang kể.