Dừng dự án điện hạt nhân:Giải quyết sao với các hệ lụy?

Chiều10-11, Quốc hội (QH) đã họp riêng tại hội trường để nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay sau đó các đại biểu cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của QH Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Theo nguồn tin của PV, Chính phủ đã đưa ra một số lý do để đề nghị dừng làm điện hạt nhân, trong đó đáng chú ý là: Hiệu quả về kinh tế của dự án không đảm bảo khi ngày càng có nhiều nguồn năng lượng khác rẻ hơn; vốn đầu tư của dự án bị đội lên gần gấp đôi do phải thay đổi công nghệ hiện đại; lo lắng hậu quả về môi trường…

Trao đổi với báo giới trước phiên họp riêng này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói: “Trước hết việc thay đổi quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân là tình huống bất khả kháng, do những diễn biến, thay đổi trong bối cảnh chung của quốc tế, cũng như những yêu cầu của đất nước về phát triển bền vững”.

Bản đồ quy hoạch khu vực triển khai xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: INTERNET

Theo ông Anh, để chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân thời gian qua, chúng ta đã làm đồng bộ, toàn diện trong hàng loạt vấn đề, không chỉ riêng đào tạo nguồn nhân lực. “Việc giải quyết những hệ lụy có thể xảy ra khi dừng quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được Bộ Chính trị, trung ương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện, có biện pháp cụ thể. Trong bất luận trường hợp nào, chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ có những giải pháp khả thi để tính toán, giải quyết những tồn tại, hệ lụy xảy ra từ quyết định này” - ông Tuấn Anh nói.

Theo chương trình làm việc của QH, vào cuối buổi sáng nay QH sẽ thảo luận riêng tại tổ về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông LÊ HỒNG TỊNH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của QH:

“Đúng lúc phải dừng”

Dừng dự án điện hạt nhân:Giải quyết sao với các hệ lụy? ảnh 2

Ngày 10-11, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của QH, cũng đã có cuộc trao đổi với báo giới về việc dừng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông Tịnh nói: “Đây là bài học rất là cay đắng trong thẩm định và dự báo về dự án”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ đề xuất dừng triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Tịnh nói: “Chủ yếu là tính khả thi của dự án đã không còn. Theo đó, giá điện dự kiến trước đây khoảng 4,9 cent/KWh nay đã đội lên tới trên 8 cent. Đó là chưa tính đủ hết các yếu tố ví như nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn, đẩy giá lên cao hơn nữa. “Vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường Formosa chúng ta vừa trải qua” - ông Tịnh cho hay.

Về nhu cầu sử dụng điện, theo ông Tịnh, nếu ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân thì kinh tế đang tăng trưởng cao bình quân 7%-8%, thậm chí dự báo tăng trưởng có thể lên tới 9%-10%. Căn cứ theo tỉ lệ phát triển điện so với GDP - 1% tăng trưởng GDP thì điện phải tăng hai lần thì nhu cầu điện năng theo tính toán lúc đó là rất lớn. Cùng đó, các dạng năng lượng khác đã tới hạn, vì vậy cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn (dao động 6%-7% một năm) và điều này cũng làm cho nhu cầu điện năng không bức thiết như đã dự báo. Theo tính toán, từ nay tới năm 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.

Mặt khác, ông Tịnh cho rằng hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng (tổn hao ngành điện trước đây rất lớn, khoảng 8%-10% nhưng hiện chỉ còn 5%-6% và còn xuống nữa). Trong khi đó năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp… Bên cạnh đó, dự báo là giá dầu khó có thể vượt 50 USD/thùng nên nguồn thay thế là khí LPG sẽ có giá thành hợp lý, đây cũng là nguồn nguyên liệu sạch thì chúng ta có thể nhập để phát điện.

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, ông Tịnh cho rằng nợ công đang rất cao nên dừng đầu tư là hợp lý. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Theo đó, dự kiến vốn đầu tư ban đầu là 200.000 tỉ đồng nhưng giờ lên hơn 400.000 tỉ và có khả năng đội cao hơn nữa.

“Vì sau sự cố Formosa, Quyết định 41 của Chính phủ yêu cầu công nghệ cao, tiên tiến, an toàn thì đương nhiên giá cao”. Ông Tịnh cho biết như thế và cho rằng phải chấm dứt dự án càng sớm càng tốt chứ để đầu tư, nhập thiết bị thì càng nguy hiểm nữa. “Dừng ở thời điểm này là đúng lúc” - ông Tịnh nói.

Ông Tịnh cho rằng việc đề xuất dừng dự án và dám chịu trách nhiệm về việc dừng này là sự dũng cảm của Chính phủ. “Chính phủ đề xuất cái này tôi cho là dũng cảm. Tất nhiên là sẽ có nhiều tranh luận, từ nhiều phía, nhiều chiều… và còn có sự quyết định của QH nữa” - ông Tịnh nói.

TRỌNG PHÚ

Ông NGUYỄN BẮC VIỆT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận:

Đảm bảo quyền lợi cho dân bị thu hồi đất

Dừng dự án điện hạt nhân:Giải quyết sao với các hệ lụy? ảnh 3

Về việc giải quyết cho các con em đang theo học về điện hạt nhân ở nước ngoài, ông Nguyễn Bắc Việt, Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Ninh Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, bên hành lang QH ngày 10-11 cho hay hôm qua lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lãnh đạo tỉnh có làm việc, các du học sinh này khi học xong sẽ được bố trí vào làm việc tại nhà máy điện, chương trình dự án, ban quản lý dự án của EVN.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề nghị với Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất cho các em du học sinh người Ninh Thuận yên tâm học tại nước ngoài theo chương trình đã định. Các nguồn ngân sách cho các em học, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ phải đảm bảo cho các em đến khi ra trường. “Nói tóm lại là các em có thể yên tâm tiếp tục học tập và không phải lo lắng đầu ra, cho dù dự án điện hạt nhân đang xem xét để dừng”. Ông Việt nói và cho hay tỉnh đã đề nghị và chắc chắn Chính phủ sẽ đảm bảo quyền lợi cho các em.

Cùng ngày, ông Nguyễn Long Biên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đang tổng hợp các ý kiến, chỉ đạo liên quan đến việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo ông Biên, hiện hai khu tái định cư ở Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải dân vẫn chưa vào ở. Tuy nhiên, ông Biên cho biết tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hàng loạt vấn đề liên quan đến xây dựng dự án điện hạt nhân nên khi dừng dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân trong vùng dự án. “Trách nhiệm của tỉnh là sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương giải quyết một số chính sách bởi đã thu hồi đất sản xuất của người dân để bàn giao cho dự án. Làm sao để người dân ổn định về kinh tế và còn rất nhiều việc khác phải làm, phải giải quyết” - ông Biên nói.

Theo Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, việc xây dựng cả hai nhà máy có gần 1.500 hộ dân và gần 5.400 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 35% số hộ thu hồi cả đất ở và đất sản xuất; gần 50% số hộ thu hồi đất canh tác và một số ít (khoảng 15%) chỉ thu hồi đất ở. Tổng số diện tích thu hồi gần 1.300 ha. Tổng số dân dự kiến phải di chuyển để nhường đất cho hai nhà máy điện hạt nhân là 1.288 hộ/4.911 nhân khẩu.

Về vấn đề nhân lực đã đào tạo chuẩn bị cho hai dự án này, một vị lãnh đạo Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết 10 năm qua Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân và EVN đã cử rất nhiều lượt người đi học trong và ngoài nước. Riêng chương trình đào tạo của EVN, từ năm 2006-2009 có 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Nga và Pháp. Từ năm 2010 đến nay, Bộ GD&ĐT đã cử tổng cộng 323 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại Trường MEPhI và một số trường ĐH khác tại Nga.

Riêng chương trình đào tạo cán bộ nòng cốt cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, EVN đã hoàn thành chương trình đào tạo cán bộ nòng cốt đợt 1 cho 15 cán bộ đầu tiên đi đào tạo hai năm tại Nhật Bản. Vừa qua EVN cũng đã cử 79 lượt cán bộ tham dự các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản lý và kỹ thuật tại Nhật Bản.

PHƯƠNG NAM - TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm