Thế nhưng hình như tôi đã mừng hụt vì theo bảng tên mẫu, họ chỉ thêm chữ “street” vào dưới tên tiếng Việt các con đường, thế là coi như đã chuyển ngữ xong. Vấn đề khách nước ngoài thấy khó dò đường, tìm điểm đến đâu phải vì họ không biết đó là street hay không mà là họ không biết đây là street gì mà thôi. Việc thêm chữ “street” vào quả thực vô nghĩa, thậm chí buồn cười mà cái vướng vẫn y nguyên.
Hệ chữ viết của chúng ta theo La tinh là đã rất thuận tiện cho người nước ngoài tiếp cận. Nó không quá khó hình dung như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan. Duy chỉ có phần dấu và thanh là gây rối đôi chút. Theo cách từ trước đến nay quốc tế vẫn làm đối với tên riêng tiếng Việt là bỏ dấu. Ví dụ, Nguyễn Du thì viết thành Nguyen Du, Đồng Khởi thì viết thành Dong Khoi. Bỏ dấu là bỏ được phân nửa sự phức tạp rồi, việc tra cứu sẽ dễ hơn rất nhiều. Theo tôi thế là ổn và có lẽ cũng không có cách nào tiện lợi, chính xác hơn.
Việc thay tên đường toàn diện thành những Orchard Road, Haji Lane cho có vẻ quốc tế là không thể và cũng không nên vì làm mất bản sắc. Thú thật tôi yêu cách đặt tên đường phố là các danh nhân, nghề nghiệp, dấu ấn lịch sử như ở ta… đó là một cách lưu dấu cái riêng, cái quý của đất nước. Càng xin bỏ qua giùm phương án đánh số đường vì nó đi ngược với lối tư duy và thói quen ghi nhớ của người dân.
Ngoài ra, một việc rất cần thiết là có bảng tên tiếng Anh ở những trụ sở làm việc công, điểm du lịch, di tích, thắng cảnh… trong TP nhằm giúp người nước ngoài dễ dàng tiếp cận, làm việc, vui chơi. Tạo sự gần gũi, tiện ích, xóa đi rào cản từ những bảng tên nho nhỏ thế này là rất cần thiết. Mình ở sân nhà khó thấy chứ mình ra nước ngoài sẽ hiểu ngay tâm thế của người nước ngoài ở Việt Nam, đây là việc rất nên làm.