Chuyện nạn nhân bị số lạ gọi đến tự xưng là công an, bưu chính để yêu cầu chuyển tiền xác minh vụ án, nhận hàng… đã là chiêu thức lừa đảo cũ. Tội phạm lừa đảo qua điện thoại giờ đã biết dùng cả số điện thoại giống y như số của công an, bưu chính để gọi đến cho nạn nhân.
Giả cả số điện thoại của công an, bưu chính
Chị ĐTH (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) kể sáng 2-10, chị nhận được cuộc gọi từ đầu số 02838297643, nghe giọng một người nam tự xưng là lãnh đạo Phòng PC45, Công an quận 1, TP.HCM. Người gọi cho biết chị H. liên quan đến một vụ án lớn đang được điều tra, yêu cầu chị H. hỗ trợ cung cấp thông tin.
Trước thông tin này, chị H. khá bất ngờ vì bản thân và gia đình đều không tham gia các hoạt động phi pháp. Thêm vào đó, người gọi điện thoại biết rõ họ tên, lý lịch cá nhân của chị. Đây là những thông tin chị rất ít cung cấp ra bên ngoài.
Thấy đáng ngờ, chị H. phản ứng “Sao chị thấy chiêu này quen quá em ơi” thì ngay lập tức người gọi cúp máy. Chị H. tra cứu trên mạng thì thấy số điện thoại trên quả thật là của Công an quận 1 nên chị gọi lại. Lần này một giọng nam khác nghe máy, cũng xưng là đại diện Công an quận 1. Chị H. liền nói: “Một lãnh đạo PC45 vừa gọi tôi và thông báo tôi đang liên quan đến vụ án lớn…”. Bấy giờ, phía Công an quận 1 cho biết chỉ trong sáng 2-10 cơ quan này đã tiếp nhận hơn chục cuộc gọi đến chỉ để xác minh “Số điện thoại 02838297643 có phải của Công an quận 1 không?”. Đồng thời, người gọi cũng trình báo về việc có đối tượng gọi điện thoại giả danh công an để lừa đảo.
Chúng tôi đã liên hệ số điện thoại trên để xác minh thì đúng là số của Công an quận 1 và nơi đây cũng xác nhận thời gian qua có nhận những phản ánh tương tự. Phía Công an quận 1 cho biết thêm không có chuyện công an gọi đến số điện thoại cá nhân để thông báo bất cứ vấn đề nào.
“Số điện thoại của cơ quan công an lại được các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo, đó là điều tôi rất bức xúc và thắc mắc” - chị H. nói.
Tương tự, chị HK cho biết chị cũng thường nhận được cuộc gọi từ đầu số 02838221677 của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Người gọi luôn thông báo một nội dung duy nhất là chị K. có một bưu phẩm gửi từ Hà Nội và yêu cầu chị cung cấp các thông tin cá nhân, đặc biệt là số tài khoản ngân hàng để làm thủ tục xác minh nhận hàng.
Chị K. liền gọi đến bưu điện để trình bày vụ việc. “Phía bưu điện cho tôi biết họ không bao giờ yêu cầu người nhận cung cấp các thông tin cá nhân. Vì bưu điện đã yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ thông tin của người nhận. Bưu điện càng không yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng người nhận” - chị K. cho biết.
Nghe một cuộc gọi, bay ngay tiền triệu
Không may mắn thoát khỏi thủ đoạn của đối tượng xấu chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) vừa bị dính bẫy. Chị Ánh kể lại: “Mới đây tôi nhận được cuộc gọi từ số 0377697… xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo số tài khoản thẻ của tôi có vấn đề, có người gửi tiền cho tôi nhưng hệ thống ngân hàng bị treo nên không gửi được”.
Người này cho biết nếu muốn nhận được số tiền gửi đến, chị Ánh phải cung cấp số thẻ ATM đang sử dụng. Trước yêu cầu này, chị Ánh đắn đo, không muốn cung cấp nhưng đối tượng trên hối thúc.
“Thấy tôi không muốn cung cấp số thẻ, người gọi liền nói tôi chỉ cần cung cấp ba số cuối của số thẻ để họ giải quyết việc chuyển tiền cho tôi. Người này còn nói thêm chỉ khi cung cấp đầy đủ số thẻ thì mới sợ người khác lấy được tiền trong tài khoản của tôi. Tôi tin nên đã cung cấp ba số cuối của thẻ” - chị Ánh nói.
Chỉ năm phút sau khi cung cấp số thẻ ATM, tài khoản của chị Ánh đã bị trừ 500.000 đồng. Tiếp theo đó vài giây thì tài khoản tiếp tục bị trừ tiền liên tục gần 2 triệu đồng.
Chuyên gia lý giải vì sao trùng đầu số công an… Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Công ty An ninh mạng Athena, cho biết trong các trường hợp trên, các đối tượng giả danh công an, tòa án hay bưu điện đã sử dụng công nghệ giả số điện thoại (Voice over IP, viết tắt là VoIP). Với công nghệ này, người gọi khi muốn giấu số điện thoại, hay muốn “hô biến” thành một số điện thoại khác thì chỉ cần gọi vào tổng đài dịch vụ và chọn các chức năng tương ứng với loại số muốn thay đổi rồi mới nhập số cần gọi. Như vậy, thông qua công nghệ VoIP, các đối tượng xấu dễ dàng giả danh bất kỳ cơ quan chức năng nào để đánh lừa người dân. Để tránh các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi, ông Thắng khuyên bạn đọc lưu ý ba điểm sau: + Cảnh giác với những đầu số lạ hoặc những cuộc gọi thông báo “trên trời rơi xuống” của cơ quan chức năng. Đa phần các cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an, tòa án… khi có vấn đề cần triệu tập một cá nhân để xác minh, làm rõ đều phải có văn bản thông báo gửi đến cá nhân chứ không làm việc qua điện thoại. + Không nên cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, chuyển tiền khi không biết rõ nội dung và người nhận là ai. Hạn chế đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội, đây vừa là kênh thông tin rất hữu ích nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều loại tội phạm. Kẻ phạm tội có thể lấy các thông tin cá nhân đó và thực hiện hành vi phạm tội. + Tra cứu số điện thoại trên Facebook hoặc Google: Đây là cách dễ nhất để bạn đọc xem thử đó có phải số lừa đảo hay không. Nếu đó là một công ty lừa đảo sẽ có nhiều người đưa thông tin về số điện thoại đó lên mạng để cho người khác không mắc phải. |