Các thủ đoạn này gồm gợi ý tặng quà có giá trị từ nước ngoài; gọi điện thoại thông báo tiền cước điện thoại rồi dẫn dắt hăm dọa khổ chủ có khả năng đối diện vòng lao lý…
Nhớ tới công an thì đã muộn
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Okwudilichukwu Chinedu Timothy (30 tuổi, quốc tịch Nigeria, sống lang thang tại Việt Nam) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, ngày 2-8-2017, anh Nguyễn Thanh L. (26 tuổi, ở quận 11, TP.HCM) hốt hoảng đến Công an quận 3 trình báo việc mình bị lừa số tiền hơn 18 triệu đồng.
Anh L. kể đầu tháng 7-2017 có kết bạn qua mạng xã hội với người đàn ông nước ngoài xưng là Graham ErickBond, sống tại London (nước Anh). Người này ngỏ ý muốn tặng anh một số quà, gồm nước hoa, điện thoại iPhone cùng lượng lớn tiền mặt.
Sau đó một người phụ nữ xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh điện thoại cho anh L. yêu cầu nộp cước phí hơn 18 triệu đồng qua một tài khoản ngân hàng để nhận “hàng của Graham ErickBond”. Anh L. nghe theo nhưng chuyển tiền rồi mà mãi không nhận được quà tặng, thậm chí còn bị đòi gửi thêm 80 triệu đồng nữa vì “trong thùng hàng có ngoại tệ nên cần thêm chi phí để xử lý”. Tới lúc này thì biết bị lừa, anh L. báo cảnh sát và thông qua việc lần tìm nguồn gốc số tài khoản, “Graham ErickBond sống tại London” lộ diện là Okwudilichukwu Chinedu Timothy.
Theo đó, người này nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2015 để làm việc nhưng rồi thất nghiệp. Thời gian lưu trú bất hợp pháp tại TP.HCM do hết thị thực, Timothy câu kết với một người Campuchia (hiện chưa xác định được lai lịch) bày ra trò lừa đảo trên. Đến nay Timothy đã khai lừa nhiều người với số tiền gần 1,2 tỉ đồng và trên 90.000 USD.
Một thủ đoạn lừa đảo khác, theo Công an quận Gò Vấp (TP.HCM), đơn vị này đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bà NTKC (37 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp) là nạn nhân.
Một băng nhóm giả công an lừa đảo qua điện thoại bị Công an TP.HCM triệt phá. Ảnh: PHẠM DŨNG
Bà C. khai trước đó ít ngày có nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên công ty viễn thông nói rằng bà nợ cước điện thoại hơn 25 triệu đồng và công ty đang đưa việc này ra tòa. “Nhân viên” này còn nói hồ sơ sẽ được chuyển ra Bộ Công an ở Hà Nội do bà C. đang bị điều tra vì có liên quan đến đường dây buôn ma túy và rửa tiền. Việc trước mắt là bà phải chuyển số tiền 50 triệu đồng vào một tài khoản nếu muốn tại ngoại.
Dù chưa hiểu chuyện gì nhưng do quá sợ hãi việc ở tù, bà C. ra ngay ngân hàng chuyển trước 25 triệu đồng. Tới lúc bình tĩnh, nạn nhân tới công an thì mới biết rõ mình bị lừa.
Cũng cùng chiêu thức này, liên tục từ ngày 2 đến 10-8-2018, trên địa bàn quận Gò Vấp xảy ra hai vụ lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 4,4 tỉ đồng. Hai người bị hại đều là phụ nữ đã có tuổi.
Đánh vào lòng tham hoặc sự sợ hãi
Theo Trung tá Phạm Trung Nguyên, Đội phó Đội Phong trào Công an quận Gò Vấp, trong thời gian qua không chỉ riêng địa bàn quận Gò Vấp mà các địa bàn khác xảy ra không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Theo ông, công an quận đã có nhiều chuyên đề, bản tin tuyên truyền đến tận người dân về ý thức cảnh giác phòng tránh thủ đoạn của loại tội phạm này. Tuy nhiên, thực tế vẫn có người bị lừa.
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM, thời gian qua đơn vị đã xử lý hơn 200 bị can (cả người Việt Nam và người Đài Loan, Trung Quốc), khởi tố hơn 150 vụ án hình sự liên quan tới lừa đảo qua mạng. Qua đó thu hồi tài sản hơn 50 tỉ đồng trả cho người bị hại. |
“Một phần do người dân kém hiểu biết, các đối tượng đánh vào tâm lý. Bên cạnh đó là yêu cầu chuyển số tiền nhỏ ban đầu, rồi sau đó tăng lên cao. Người dân chuyển đến lần thứ hai mới sinh nghi, lúc biết chuyện thì té ngửa” - vị cán bộ nói.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM), cho hay các thủ đoạn trên đánh vào lòng tham hoặc tâm lý sợ hãi của người dân.
Để tránh trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo qua điện thoại, công an khuyến cáo người dân hạn chế cung cấp thông tin cá nhân với những trường hợp không cần thiết. Thứ hai, trường hợp nghe thông báo nợ cước, nợ thẻ tín dụng, nhận bưu phẩm… xác định mình không nợ thì tuyệt đối không làm theo yêu cầu của người gọi điện thoại báo.
Thứ ba, công an không bao giờ làm việc, ghi lời khai qua điện thoại. Cũng không có chuyện công an yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, nếu bắt giữ hay thu hồi tang vật liên quan đến tiền bạc, tài sản thì phải có lệnh bắt, lập biên bản rõ ràng.
Thoát bẫy nhờ cảnh giác Một người suýt thành nạn nhân của thủ đoạn này nữa là anh H. (cũng ở TP.HCM). Với việc nhận cuộc gọi báo cước, anh H. sau đó bị hù dọa đang vướng vào vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền. Thậm chí anh còn nhận được ảnh chụp “lệnh bắt tạm giam” từ VKSND Tối cao gửi qua… tin nhắn.
Sau giây phút hoang mang, anh H. bình tĩnh lại gọi điện thoại ngay cho người bạn là lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1 và thở phào vì mình thoát bẫy. |