Nếu giáo viên có vi phạm thì chỉ kêu lên nhắc nhở rồi tự biết khắc phục để còn nhìn mặt nhau. Tuy nhiên, các đồng nghiệp tôi ở nhiều nơi cho biết chuyện này còn nặng nề.
Mới đây, một giáo viên Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) đã bị phê bình vì dạy thêm. Ngày 24-9-2016, hai cô giáo Trường Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân) cũng bị báo chí phát hiện, chụp ảnh đăng bài khi đang dạy thêm học sinh chính khóa của mình trên lớp.
Ở một địa phương khác, đồng nghiệp tôi kể rằng việc đi “bắt” dạy thêm có cả ban bệ theo cùng. Nhiều xã, phường đã thành lập một đội quân gồm đủ thành phần như phó chủ tịch xã làm trưởng ban, rồi trưởng thôn, công an xã, dân phòng cùng một số thành viên khác. Đoàn sẵn sàng xuất quân ngay khi nhận được tin “mật báo”.
Sau khi điều tra, nắm được giờ có lớp học thêm, đoàn ập vào như tên bắn, có phần hả hê vì chuyến ra quân đạt kết quả trước những cặp mắt hoảng hốt ngơ ngác của đám học trò. Trong khi đó các thầy cô thất thần vì lo sợ và xấu hổ.
Lớp học bỗng chốc tan tác như gà mất mẹ, nháo nhào ra về. Giáo viên buộc phải ký vào biên bản được lập vì đã vi phạm quy định.
Đó mới là màn khởi đầu. Sau đó các thầy cô vi phạm sẽ bị đưa ra kiểm điểm, cân nhắc hình thức kỷ luật trước chi bộ, liên tịch và công bố trước hội đồng nhà trường, luôn được mang ra nhắc nhở trong các cuộc họp của ngành để rút kinh nghiệm.
Không chỉ cá nhân giáo viên vi phạm nhận kỷ luật mà cả trường đều bị vạ lây. Nào là bị khiển trách, cắt thi đua…, người giáo viên bỗng chốc trở thành tội đồ của cả tập thể.
Nhiều người phản đối cách “bắt” dạy thêm như bắt tội phạm thì nhận được câu trả lời “Phải thế mới không chối cãi, còn ghi nhận và mời lên vào hôm sau thì làm gì còn bằng chứng!”.
Nghe câu chuyện giáo viên bị bắt quả tang khi đang dạy thêm, tôi thấy thật xót xa.
Đã là quy định buộc mọi người phải thực hiện nhưng có nhất thiết phải tiến hành theo cách đó hay không? Dạy thêm dù sao đi nữa cũng không phải tội phạm.
Thầy cô giáo luôn là người có lòng tự trọng cao, chắc chắn một khi được mời lên làm việc cũng chẳng có ai dám bất chấp để chống đối hay tiếp tục vi phạm.