Vừa qua, TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp chia tài sản chung giữa nguyên đơn là bà D và bị đơn là bà B do có kháng cáo của nguyên đơn.
Hai chị em được tặng cho nhà ở từ năm 1995
Theo hồ sơ, bà D trình bày, ngày 28-4-1995, bà và em trai (là chồng bị đơn) được vợ chồng ông T lập hợp đồng tặng cho nhà ở, gồm đất và nhà tại quận Ninh Kiều. Người em mất năm 2006 nên vợ (bà B) là người trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản tranh chấp.
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn cho rằng bị đơn và các con đã sinh sống ổn định tại căn nhà trên nhiều năm nên không yêu cầu nhận hiện vật. Ban đầu bà yêu cầu chia 100 triệu, sau yêu cầu chia một nửa giá trị tài sản chung.
Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn. Bà cho rằng vợ chồng bà cùng các con sinh sống tại đây từ năm 1975 đến nay, không ai có tranh chấp. Chồng bà chết năm 2006, đến năm 2013 bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà biết tài sản này là của vợ chồng ông T, sau khi họ đi nước ngoài có để lại căn nhà này cho gia đình bà ở, để thờ cúng ông bà của ông T. Không ai nói gì đến hợp đồng tặng cho nhà ở giữa vợ chồng ông T với chồng bà và nguyên đơn nên bà không biết. Hiện căn nhà này bà đã tặng cho các con… Các con bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.
Xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sau đó, nguyên đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Xác định tài sản tranh chấp là tài sản chung
Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ nhận định, thửa đất 48 m2 do vợ ông T đứng tên. Thửa đất này tiếp giáp phần đất của bà B. Phần đất của bà B nay do một người con đứng tên trên giấy đất cấp năm 2010. Riêng thửa đất của vợ ông T, năm 2013 bà B kê khai và được cấp giấy đất, diện tích 51,5 m2.
Tòa xét hồ sơ cấp giấy đất của bà B năm 2013, trong đó tờ tường trình nguồn gốc đất, bà này khai do tự cất và ở ổn định từ năm 1985 là không đúng sự thật, vì nhà đất là của vợ chồng ông T, năm 1995 ông bà T đi xuất cảnh mới làm thủ tục tặng cho.
Theo tòa, nhà đất của vợ chồng ông T đã có giấy tờ nhưng UBND quận Ninh Kiều vẫn cấp giấy chứng nhận cho bà B là không phù hợp. Thửa đất này bà B đã tặng cho hai người con khác và hai người này đã chuyển nhượng cho người khác nữa.
Theo tòa, hợp đồng tặng cho nhà ở năm 1995 có hình thức và nội dung không trái quy định pháp luật, người đứng ra giao kết có đủ năng lực trách nhiệm dân sự; hợp đồng được lập và công chứng. Đây là thời kỳ thi hành Pháp lệnh Nhà ở và Pháp lệnh Hợp đồng dân sự. Pháp luật thời kỳ này không có quy định riêng cho hợp đồng tặng cho nhà ở nên hợp đồng có hiệu lực theo quy định chung của hợp đồng là ở thời điểm giao kết.
Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, vợ chồng ông T không có văn bản nào thay thế hợp đồng tặng nhà ở cho này, không có hành động nào thể hiện sự thay đổi ý chí tại hợp đồng tặng cho nhà đã ký. Do đó tòa công nhận hiệu lực của hợp đồng (áp dụng tương tự Án lệ số 52/2021), từ đó xác định nhà đất tranh chấp là tài sản chung của bà D và chồng bà B.
Theo định giá, tài sản tranh chấp trị giá hơn 347 triệu, trong đó, phần đất trị giá hơn 272 triệu. Nguyên đơn yêu cầu chia đôi giá trị đất nhưng tòa xét gia đình bà B có công sức cải tạo, bảo quản, giữ gìn từ trước đến nay nên cần tính công sức này và chia cho bà D 100 triệu như yêu cầu ban đầu.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà D, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà D, chia cho bà một phần giá trị quyền sử dụng đất với số tiền 100 triệu, buộc bà B có trách nhiệm trả số tiền trên cho bà D.