“Từ khi đưa vào hoạt động, ba trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã cứu nhiều trường hợp nguy kịch và có nguy cơ tử vong nếu chỉ xử lý chậm vài phút” - ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, nhận định.
Thoát chết trong gang tấc
“Ngày 9-5, Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Bình Tân (TP.HCM) nhận cuộc gọi có một TNGT xảy ra tại khu vực đường Tên Lửa (Bình Tân). Đội cấp cứu của bệnh viện nhanh chóng tới nơi xảy ra tai nạn” - BS Trần Minh Quân, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bình Tân, nhớ lại.
Mặc dù bệnh nhân than đau nhưng không thấy chảy máu. Quan sát kỹ, BS Quân nhận định bệnh nhân có thể bị gãy xương đùi kín. Đội cấp cứu nhanh chóng nẹp cố định phần gãy, chích thuốc giảm đau, truyền dịch và đưa về bệnh viện. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị gãy xương đùi kín, đúng như nhận định ban đầu. “Bệnh nhân bị gãy xương đùi kín rất dễ bị lệch xương gãy trong quá trình vận chuyển nếu không được nẹp cố định, việc điều trị về sau sẽ khó khăn hơn. Chưa hết, xương gãy có thể gây xuất huyết nội khiến bệnh nhân tử vong. Do nhận định đúng, lại được sơ cứu kịp thời nên bệnh nhân đã được cứu sống” - BS Quân nói.
BS Huỳnh Công Chánh, Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết cách đây vài ngày, vào lúc 21 giờ, Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Xuyên Á nhận được cuộc báo có một thanh niên độ 20 tuổi bị TNGT do say rượu. Năm phút sau, đội cấp cứu có mặt tại hiện trường và ghi nhận bệnh nhân nằm sấp, bất tỉnh; chân phải gần đứt lìa, chỉ còn dính miếng da, mất nhiều máu.
“Khi đó, đội cấp cứu đã kịp cố định cột sống cổ, cố định chân gãy và cầm máu cho nạn nhân. Ca mổ kéo dài bốn giờ, truyền bốn đơn vị máu. Hiện bàn chân bệnh nhân đã hồng hào, mạch rõ. Nếu cấp cứu chậm độ năm phút thì bệnh nhân có nguy cơ mất chân phải do hoại tử” - BS Chánh nói.
BS Diệp Thành Tường, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức BV Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP.HCM), cho biết mới đây Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của bệnh viện này cũng đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân hơn 50 tuổi lên cơn hen cấp, tím tái, khó thở. “Trong trường hợp không có Trạm vệ tinh cấp cứu 115 tại BV Đa khoa Sài Gòn, nếu Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đến trễ độ ba phút vì lý do nào đó thì bệnh nhân có nguy cơ chết não, phải sống thực vật, thậm chí có thể tử vong” - BS Tường chia sẻ.
Nhân viên y tế Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Bình Tân đưa nạn nhân lên xe để chuyển về BV. Ảnh: TRẦN NGỌC
Nghe điện thoại báo là lên đường ngay
Theo Sở Y tế TP.HCM, một thực tế đang tồn tại là người dân chưa biết đến thông tin có các trung tâm đảm nhận nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện hoặc nhầm tưởng số máy 115 là tổng đài cấp cứu của các bệnh viện chứ không phải của riêng trung tâm cấp cứu. Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, năm 2015 Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ nhận được 9.795 cuộc gọi (trung bình 27 cuộc gọi/ngày), số xe cứu thương xuất bến chỉ có 6.880 lượt. Con số trên còn quá ít so với con số bệnh nhân phải cấp cứu mỗi ngày tại các bệnh viện trên toàn TP.
Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, người dân sẽ sử dụng bất cứ phương tiện nào mà họ biết để cấp cứu tính mạng của người thân. Tuy nhiên, khi có ca tai nạn hay đột quỵ cần cấp cứu khẩn cấp tại chỗ và cần vận chuyển, nếu sử dụng các phương tiện không đảm bảo thì sẽ khó tránh khỏi những chuyện đáng tiếc xảy ra.
Chính vì vậy, việc triển khai các trạm cấp cứu vệ tinh và tổng đài 115 là một bước đi phù hợp để giảm rủi ro cho người dân khi không được sơ cấp cứu kịp thời tại hiện trường hoặc chuyển đến bệnh viện cấp cứu không đảm bảo an toàn. Khi có ca khẩn cấp, người dân chỉ cần nhớ số điện thoại 115 là đủ.
“Thông thường khi nhận cuộc gọi, đội cấp cứu hay hỏi người gọi những thông tin liên quan đến nạn nhân để tránh trường hợp bị chọc phá. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến “thời gian vàng” trong cấp cứu. Do vậy, chúng tôi có quy định hễ nhận được cuộc gọi là đội cấp cứu 115 của bệnh viện phải lên đường ngay trong vòng 1-2 phút” - BS Châu cho biết.
Thưởng đột xuất Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á Sở Y tế TP.HCM ngày 24-5 đã khen thưởng đột xuất cho Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á vì phẫu thuật thành công một bệnh nhân bị TNGT gần đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân phải (Pháp Luật TP.HCM ngày 24-5 đã đưa tin). Theo Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, từ tháng 4-2014 đến nay, Sở Y tế TP đã thành lập ba trạm vệ tinh gồm trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Đa khoa Sài Gòn, BV Bình Tân và BV Đa khoa Xuyên Á. Dự kiến đầu tháng 6-2016, TP sẽ triển khai thêm hai trạm vệ tinh cấp cứu ở BV quận Thủ Đức và BV quận 2. Trong tháng 7 sẽ thêm hai trạm cấp cứu vệ tinh tại BV quận 7 và BV Bình Chánh. Như vậy trong năm 2016, TP.HCM bước đầu đã hình thành các trạm vệ tinh cấp cứu 115 ở bốn khu vực cửa ngõ và khu vực trung tâm. Thời gian tới, TP.HCM sẽ thành lập mạng lưới trạm vệ tinh cấp cứu tại mỗi quận, huyện của TP để phục vụ kịp thời hoạt động cấp cứu ngoại viện cho người dân. Thực tế cho thấy người dân ở những khu vực có trạm vệ tinh cấp cứu 115 hưởng nhiều lợi ích vì được cấp cứu nhanh, sớm, có hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong. Hiện mỗi trạm vệ tinh trung bình mỗi ngày cấp cứu 7-10 trường hợp, trong đó đa phần là TNGT. ThS-BS VÕ QUANG HUY, Phó Giám đốc điều hành |