Ông Khang làm việc tại Công ty Vinh Đa từ năm 2008, đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 15-1-2012, phía công ty yêu cầu công nhân làm thêm giờ. Do cận tết lại bận việc gia đình nên ông Khang và đồng nghiệp không đồng ý. Hơn nữa, cách đó một ngày, họ đã phải tăng ca đến 23 giờ. Hôm sau, ông Khang đi làm bình thường. Ngày 17-1-2012, công ty tổ chức ăn tất niên và cho công nhân nghỉ tết Nguyên đán. Ngày 2-2-2012, hết thời gian nghỉ tết, ông đến công ty thì nghe thông báo không được xuống xưởng làm việc. Ông phải lên văn phòng viết bản tường trình lý do không tăng ca rồi được cho về nghỉ ba ngày.
Ba ngày sau, ông Khang đến công ty thì lại được cho nghỉ thêm bốn ngày. Bốn ngày sau, ông được yêu cầu viết bản kiểm điểm vì đã không tăng ca theo chỉ đạo nhưng ông không đồng ý. Giám đốc kêu ông về, chờ thông báo bằng điện thoại để biết có làm lại hay không. Công ty liên tục yêu cầu ông viết bản kiểm điểm, sau đó cấm cửa không cho vào làm việc. Ông Khang nhờ Phòng LĐ-TB&XH quận hòa giải nhưng không thành nên khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường theo quy định.
Trong khi đó, phía công ty lại cho rằng chính mình mới là nạn nhân của người lao động. Cụ thể, từ 2-2-2012 có đến 11 công nhân cùng tổ với ông Khang tự ý bỏ việc làm ngưng trệ cả dây chuyền sản xuất. Công ty buộc phải sa thải hết số công nhân này. Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động công ty đã dán trên bảng ở công ty. Công ty nghĩ rằng các bạn bè của 11 công nhân có tên trong thông báo sẽ nói lại cho họ biết nên công ty không cần phải giao trực tiếp thông báo cho họ.
Theo TAND quận Tân Bình, nếu muốn cho người lao động nghỉ việc thì Công ty Vinh Đa phải tuân thủ thời gian báo trước, đồng thời lý do cho nghỉ phải thuộc một trong những trường hợp được quy định tại Điều 38 BLLĐ. Trường hợp này, công ty đã cho nghỉ không báo trước, không có lý do là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
PHƯƠNG LOAN