Đường hoàn lương - Bài cuối: “Mong con hiểu được lòng ba!”

Ông Nguyễn Văn Trưởng (nhà ở huyện Cam Lộ, Quảng Trị) có ba đứa con. Hai đứa nhỏ còn đi học, đứa lớn hận cha nên nghỉ học nửa chừng theo chúng bạn la cà. Mỗi lần ông khuyên bảo, đứa con lên giọng: “Ba tưởng mình là ai mà đòi dạy con! Ngày xưa ba cũng có hơn gì con đâu mà đòi lên lớp!”. Những lúc ấy người cha đành bất lực nuốt nỗi đớn đau vào lòng.

Vụ án giết người chỉ vì cái mũ cối

Ông Trưởng kể hồi đó ông làm công nhân tại công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Hôm ấy, một người bạn của ông bị mất chiếc mũ cối mới mua, ông và người bạn đến chỗ người lấy mũ đòi lại. Người này hất hàm: “Không có tiền đi nhậu bọn tao mang đi bán rồi. Bọn mày đòi thì ra chỗ bọn tao bán mà lấy!”. Nói xong, nhóm người này xông vào đánh Trưởng và người bạn. Hôm sau, nhóm người này lại tiếp tục đứng trước cổng công trường chờ Trưởng đi ra để đánh và bắt phải đưa tiền. Trong lúc hai bên ẩu đả, Trưởng rút súng trong tay bảo vệ công trường bắn ba phát liền khiến hai người chết, một người bị thương tật 11%.

Gây án xong, Trưởng vội vã chạy về nhà định thu dọn hành lý bỏ trốn. Nhưng lúc ấy mẹ Trưởng ngồi thất thần bên mâm cơm, giục con ngồi xuống ăn rồi khóc. “Mẹ tôi nói có lẽ đây là bữa cơm cuối cùng mẹ nấu cho con ăn. Tội của con nặng lắm, mẹ nghe người ta bảo con sẽ bị tử hình. Bữa cơm hôm nay có cả những giọt nước mắt của mẹ lẫn vào nữa, con hãy ăn thật no rồi làm những việc mình thấy thoải mái nhất”. Trưởng chỉ biết ôm mẹ khóc rưng rức rồi đi đầu thú.

Sau khi chấp hành xong hình phạt, ai cũng muốn được tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, sống cuộc đời hoàn lương đúng nghĩa. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HTD

Khi Trưởng bị bắt, người mẹ chỉ biết ôm nỗi đau lủi thủi trong nhà. Bà chẳng dám ra ngoài vì sợ búa rìu dư luận. Nhưng rồi bản năng người mẹ đã mách bảo bà phải làm gì đó để tìm con đường sống cho con mình. Biết gia đình những nạn nhân rất giận, rất căm phẫn nhưng bà vẫn đến thăm hỏi, nhang khói, xin họ giảm án cho con mình. Cuối cùng, nỗ lực của bà chẳng những được gia đình các nạn nhân thông cảm mà họ còn vận động cả làng lên ủy ban nhờ viết đơn xin giảm án cho con bà.

Những cố gắng của người mẹ, sự khoan dung của gia đình những người bị hại… cuối cùng đã được cả hai cấp tòa xem xét. Mẹ ông Trưởng nói: “Ở cấp sơ thẩm nó bị tù chung thân cho cả hai tội giết người và cố ý gây thương tích. Lúc ấy tôi nghĩ đó đã là phúc đức của ông bà để lại, vì con mình đã thoát án tử hình. Cho nên lên cấp phúc thẩm, sau khi nghe chủ tọa tuyên giảm án cho nó xuống còn 20 năm tù, tôi như người chết sống lại” - bà mẹ già trên 80 tuổi của ông Trưởng nhớ lại.

Người hoàn lương toàn diện

Ông Trưởng kể: “Lúc mới vào tù, tôi cứ nghĩ cuộc đời mình xem như hết, nếu có cải tạo tốt, sau này ra đời cũng chẳng ai người ta dám tiếp xúc. Nhưng nghĩ đến mẹ hằng tháng vẫn lặn lội vào thăm dù trại giam cách nhà hàng trăm cây số, tôi nhủ lòng mình phải làm gì đó để mẹ vui, để mẹ không thất vọng vì mình”.

Vậy là suốt những năm ở trại, Trưởng luôn chấp hành tốt nội quy của trại, luôn lao động cần cù và sống lạc quan, vui vẻ. Mỗi dịp lễ, tết, Trưởng đều được xem xét giảm án. Đến năm 1993 thì ông Trưởng được trả tự do trước thời hạn.

Về nhà với lý lịch tỳ vết, Trưởng cố gắng vượt qua mặc cảm quá khứ để làm lại cuộc đời. Ông tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, hợp tác với các trại giam để thuyết phục các phạm nhân cố gắng làm lại cuộc đời. Ông kể mỗi khi trung tâm giáo dưỡng hay các trại giam có chương trình sinh hoạt với phạm nhân ông đều được mời đến nói chuyện như một tấm gương tiêu biểu cho các phạm nhân noi theo. “Lần trước có phạm nhân trốn trại, bỏ chạy vào rừng, các giám thị phải mất rất nhiều cách nhưng không “dụ” được người này quay trở lại. Vậy mà tôi đến tâm sự được một lúc, anh ta ngoan ngoãn trở về trại”.

Đại tá Nguyễn Minh Nhơn, nguyên Giám đốc Cơ sở giáo dục Hoàn Cát - Quảng Trị, đánh giá: “Lúc còn trong trại, Trưởng giúp chúng tôi nhiều việc lắm, từ lao động đến chuyện động viên, khuyên bảo các phạm nhân khác biết cải tạo tốt và định hướng cho tương lai của mình. Đến nay khi cơ sở cần, Trưởng đều giúp đỡ rất tốt. Hơn 20 năm qua, tôi nhận thấy Trưởng là người hoàn lương toàn diện”.

Cái án của cha trong mắt con

Đang nói chuyện vui vẻ, giọng ông Trưởng trầm xuống khi nhắc đến các con của mình. “Tôi thành lập gia đình khá muộn nên hơn 60 tuổi rồi mà các con vẫn còn nhỏ. Hai đứa nhỏ tôi không nói làm gì nhưng thằng lớn thì mỗi lần nói chuyện với nó tôi chỉ biết khóc mà thôi. Lúc nào nó cũng đổ lỗi cho tôi, rằng vì tôi mà nó bị nhóm bạn dị nghị, vì tôi mà lý lịch của nó không được sạch” - ông Trưởng kể.

“Một lần đi học về nó vất cặp, bảo từ mai con bỏ học, không đến trường nữa. Lúc đó nó chìa ra một tờ giấy bảo: “Ông nhìn đi, nhìn đi! Vì ông đó! Tui chỉ ước tui không phải là con ông. Ông là ba mà đi giết người!””.

Từ đó thằng con bỏ học, tự ý làm những gì mình thích, mặc ông khuyên bảo. “Rồi nó bỏ nhà sang Lào đi làm thuê, lâu rồi chẳng gọi về nhà. Nhìn thằng con sao tôi cứ thấy hình ảnh của mình thời trai trẻ, bồng bột, nông nổi. Chỉ mong sao nó không làm những việc dại dột như tôi ngày nào”. Cho đến nay, dù ở nhà có 2 ha cao su đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, công việc thì nhiều, ông phải đầu tắt mặt tối, nhiều khi muốn con giúp mình một tay nhưng chẳng được.

“Nhiều khi tôi muốn nói với con mình rằng xin con hiểu lòng ba nhưng sao khó quá! Lẽ nào với con, cái án ngày nào vẫn cứ đeo đẳng tôi mãi đến cuối đời!” - ông Trưởng nói như khóc.

NGỌC THÂN

Có nên cho con biết ba chúng từng tù tội?

Anh NN từng bị TAND TP.HCM tuyên phạt bảy năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Anh đã chấp hành án xong hơn năm năm, trở thành công dân tiêu biểu tại địa phương. Trong mắt các con, anh là người cha hiền lành, mẫu mực. Các con anh hiện vẫn chưa biết cha mình từng bị tù tội. Vì vậy đến nay vợ chồng anh vẫn cứ lưỡng lự, chưa dám cho con mình biết chuyện.

Ngày anh đi tù, đứa lớn được sáu tuổi, còn đứa nhỏ thì vẫn còn trong bụng mẹ. Một mình vò võ nuôi con, chị phải tự đi nhận vải về may gia công rồi đi giao hàng cho các chợ. “Thấy ba lâu không về, lại chẳng gọi điện thoại, thằng lớn cứ ríu rít hỏi ba đâu hả mẹ, ba đi đâu mà mãi không về, chẳng thèm gọi điện thoại cho con…”. Chị gạt nước mắt nói dối con: “Ba đi làm xa, ở đó không có sóng điện thoại nên không gọi về được. Con phải ngoan, học giỏi để ba vui”.

Mỗi lần cùng mẹ đi thăm, thấy ba mặc quần áo tù, lúc về thằng bé cứ thắc mắc: “Sao ba mặc quần áo gì kỳ vậy, chẳng giống quần áo ba mặc ở nhà. Chắc ba làm việc cực lắm mẹ nhỉ”. Chẳng kịp để mẹ trả lời, thằng bé chạy vào mở tủ quần áo ba hỏi vọng ra: “Sao ba đi làm lại không đưa quần áo theo mà mặc đồ xấu quá mẹ ạ. Lần sau đi thăm ba, mẹ nhắc con đưa quần áo cho ba nhé!”. Chị gật đầu mà nước mắt lăn dài. Vậy là chị quyết định giấu kín chuyện ba nó đi tù…

Đến nay, khi đứa lớn vừa nhận giấy báo trúng tuyển vào hai trường đại học, đứa nhỏ đang học lớp 8, chuyện ba từng đi tù vẫn mãi là điều bí mật đối với chúng. “Thấy các con cứ lấy gương ba nó để cố gắng học cho giỏi tôi cứ sợ, sợ chúng biết chuyện mình bị ba mẹ nói dối lại thất vọng. Vì thế cứ mỗi lần trên tivi chiếu phim hay chương trình nào mà có người mặc đồng phục phạm nhân, tôi phải vội vàng chuyển kênh” - vợ anh N. tâm sự.

Đang nói chuyện, thấy các con về, chị vội vàng lái câu chuyện sang hướng khác. Khi chúng dẫn nhau lên gác chị mới nói nhỏ: “Anh em nó nghe lời và tôn trọng ba lắm. Mỗi khi muốn làm chuyện gì chúng đều hỏi ba cả. Nhìn ba cha con quấn quýt nhau, tôi nghĩ hay là giờ mình tìm cách tâm sự với các con nhưng rồi tôi chẳng thể làm được”.

Vì thế thông qua báo Pháp Luật TP.HCM, chị muốn các con mình hiểu rằng: “Ba là người tốt! Mẹ chỉ mong các con biết chuyện thì hãy hiểu và thương yêu ba như hiện tại nhé!”.

NGỌC THÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm