Video: Mừng rơi nước mắt vì máy phát gạo tự động cứu đói. Thực hiện: N.CHÂU - N.TIẾN - H.GIANG - N.YÊN - H.NHƯ
“Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” - đây là một thông điệp mà người sáng chế ra chiếc máy phát gạo thông minh muốn nhắn nhủ đến mọi người.
Máy phát gạo là cụm từ mà nhiều người dân đang sống ở TP.HCM thích thú những ngày qua.
“Chiếc máy này sao lạ quá, hình như có phép màu hay sao ấy, chỉ cần bấm một cái là gạo nó chạy ra. Mà sao cái máy hay ghê, con bấm lần thứ hai, nó không ra nữa” - đó là câu thắc mắc của em N. khi đến nhận gạo từ chiếc máy ấy.
Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock, đơn vị chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động, cho biết trong những ngày cả nước đang thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì cũng là lúc nhiều hoàn cảnh vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng khốn khó hơn. Hiểu được điều này, nhiều nhà hảo tâm đã tổ chức những buổi phát cơm, phát quà nhằm chia sẻ với những người dân nghèo.
Thế nhưng việc phát từ thiện trong những ngày dịch cũng phải đảm bảo về khoảng cách an toàn cho cả người phát và người nhận. Vậy là chiếc máy phát gạo tự động được hình thành và áp dụng với mục đích tránh tình trạng tiếp xúc gần, tập trung đông người khi nhận gạo từ thiện.
Sáng 9-4 (là ngày thứ tư chiếc máy phát gạo tự động tại địa chỉ 204B Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM hoạt động), có rất nhiều người già có, trẻ có, người bán vé số, người phụ quán ăn, người làm công nhân… tất cả đều xếp hàng đúng ô, đúng khoảng cách an toàn để chờ nhận gạo.
Hàng chục chiếc xe của họ được các chú bảo vệ, các anh công an phường xếp ngay ngắn, trông giữ cẩn thận.
Cầm bịch gạo trong tay, chị Nguyễn Thị Thiết (ở Bình Tân, TP.HCM) không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi quê ở Quảng Ngãi, vào TP.HCM sinh sống bằng nghề bán vé số. Cuộc sống của vợ chồng tôi và hai đứa con đều trông chờ vào những tấm vé số bán ra. Thế nhưng vì dịch bệnh, vé số ngưng khiến gia đình tôi lao đao lắm. Nghe mấy chị ở khu trọ bảo ở đây có phát gạo miễn phí, tôi chạy qua ngay. Nhận được nhiêu gạo này cũng đủ cho cả gia đình tôi ăn cả ngày”.
“Trước đây cuộc sống gia đình tôi cũng tạm ổn nhưng từ khi quán ăn nơi vợ chồng tôi làm việc ngưng hoạt động là tôi thất nghiệp. Không biết dịch đến khi nào mới hết, tiền để dành cũng đã hết nên tôi vô cùng lo lắng. Tôi cũng thử đi xin việc một số nơi nhưng không ai nhận, giờ gia đình tôi phải trông chờ vào những phần gạo như thế này để sống qua ngày. Tôi chỉ biết cám ơn, cám ơn rất nhiều những tấm lòng vàng đã chia sẻ để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Nguyễn Văn Đạo, quận Tân Phú, xúc động nói.
Lần thứ ba chở gạo đến ủng hộ, phải thuyết phục hồi lâu thì anh Huỳnh Xuân Văn (quận Tân Phú) mới chịu chia sẻ về việc làm của mình vì anh cho rằng điều mình làm có gì đâu mà to tát.
Anh Văn ở gần nơi đặt máy phát gạo tự động, cộng thêm đọc được thông tin trên mạng nên anh bàn với gia đình và đứng ra kêu gọi bạn bè ủng hộ gạo. Hôm nay là lần thứ ba, anh chở gạo đến đây, lần đầu 100 kg, sáng nay 100 kg và chiều thêm 250 kg nữa.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no, mình có điều kiện hơn, mình có miếng ăn thì mình chia sẻ với những người nghèo khổ, đơn giản vậy thôi hà” - anh Văn vui vẻ nói.
Không chỉ góp gạo, nhiều mạnh thường quân còn tìm đến đây góp tiền mặt cho đơn vị quản lý chiếc máy để mua gạo bỏ vào.
“Nhà tôi cũng không khá giả nhưng tôi thấy mình cũng còn may mắn hơn rất nhiều người, vẫn còn làm việc, còn nhận lương nên đến đây xin góp ít tiền để nhờ đơn vị này mua gạo phát cho người nghèo” - chị Nguyễn Thị Lý, ở quận Tân Phú, tâm sự.
Trao đổi thêm về ý tưởng chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động, anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: “Bên tôi chuyên làm về hệ thống khóa điện tử và nhà thông minh, tôi thấy bình thường khi phát quà từ thiện, người phát sẽ tiếp xúc trực tiếp với người nhận nên dễ xảy ra tình trạng tranh giành, tạo đám đông không cần thiết. Vì thế, tôi nghĩ ra sẽ lấy một bộ phận thiết bị của tòa nhà thông minh để làm cái máy phát gạo tự động”.
Chiếc máy gồm có chuông thông minh, van tự động và bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà cùng hệ thống ống dẫn. Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên, mỗi lần chạy ra sẽ được 1,5 kg.
Với số gạo nhận được thì sẽ đủ cho cả gia đình ăn khoảng một ngày. Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc thực hiện, anh Tuấn Anh và các nhân viên chỉ mất tám tiếng để hoàn thành chiếc máy và đưa vào hoạt động.
Đặc biệt, để lắp đặt một chiếc máy phát gạo tự động này thì chi phí mua thiết bị mà công ty bỏ ra chỉ khoảng 8-9 triệu đồng, còn công thực hiện thì do nhân viên của công ty đảm nhiệm.
Về mặt bằng thì đây là mặt bằng của gia đình anh Tuấn Anh, trước đây cho một doanh nghiệp thuê để kinh doanh quán nước nhưng từ khi dịch bệnh, quán này đã tạm ngưng hoạt động.
Trong thời gian quán tạm ngưng, gia đình anh không lấy tiền thuê và thương lượng với doanh nghiệp này để tận dụng đặt máy phát gạo cho người dân nghèo.
Bên cạnh đó, anh Tuấn Anh còn rút 50% nhân viên của công ty về hỗ trợ, tổ chức vận hành máy phát gạo, chia làm ba ca trực 24/24 giờ. Tất nhiên, tiền lương của các nhân viên công ty vẫn trả bình thường.
Theo anh Tuấn Anh, ban đầu công ty chỉ dự trù phát 500 kg/ngày nhưng người đến nhận đông nên lượng gạo của công ty bị hao hụt nhiều so với dự kiến.
Thế nhưng chỉ sau ngày đầu thực hiện, đã có rất nhiều mạnh thường quân đến hỗ trợ thêm. Với lượng gạo hiện tại thì công ty sẽ phát kéo dài 1-2 tháng nữa.
“Như lời ngỏ ban đầu của chúng tôi là nếu ai khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác. Chiếc máy phát gạo này có khả năng phân loại đối tượng nhận gạo dễ dàng bởi có nhân viên điều khiển thông qua ứng dụng di động.
Máy sẽ được kết nối với một ứng dụng trên điện thoại, camera nhận diện người nhận gạo. Nhân viên trực có nhiệm vụ phát hiện những người lấy gạo nhiều lần trong một ngày hoặc những người ăn mặc sang trọng... thì sẽ không nhấn nút đồng ý và gạo không chảy xuống. Đồng thời, nhân viên sẽ bật loa để nhắc nhở” - anh Tuấn Anh giải thích.
Hiện nay, đơn vị này đã chế tạo được hai máy đặt ở địa điểm trên. Sắp tới theo dự kiến, công ty sẽ tiếp tục thực hiện lắp đặt thêm nhiều máy ở nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn TP.HCM.
Để làm được điều này, công ty cần nhận được ủng hộ từ chính quyền địa phương về công tác giữ gìn an ninh trật tự cũng như các công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đúng như tên “chiếc máy thần kỳ” được một bạn nhỏ đến nhận gạo đặt cho, chiếc máy này không phải ai bấm nút nó cũng chảy ra gạo. Thỉnh thoảng có một số người nhận gạo xếp hàng mãi mới đến lượt mình, vậy mà bấm nút gạo chẳng ra. Chẳng lẽ chiếc máy này mới hoạt động mấy ngày mà bị hư sao? Không phải vậy, mà máy biết chọn mặt để cho gạo.
Theo quan sát của PV, ngày 8-4, dù đã đến giờ nghỉ trưa nhưng tại điểm phát gạo vẫn còn rất nhiều người đến xếp hàng. Những người nhận gạo trông dáng vẻ rất khổ, người đi xe đạp, người chạy chiếc xe máy cũ kỹ…
Tuy nhiên, lại xuất hiện một chị chạy xe tay ga mới toanh, ăn mặc sang trọng cũng đến đứng xếp hàng chờ nhận gạo.
Chờ một hồi cũng đến lượt mình, chị này cũng bấm vào nút như bao người khác nhưng gạo không ra. Tưởng máy hư, chị cứ đưa tay vỗ vỗ vào ống dẫn liên tục mà gạo cũng chẳng ra.
Đứng chờ một hồi, trên loa phát ra giọng một bạn nữ hỏi: “Chị ơi, chị có khó khăn thật không, nếu không quá khó thì chị nhường suất gạo này cho người khác nhé!”. Thế là chị này mới tẽn tò bước đi và chạy xe ra về.
Một bạn điều hành chiếc máy phát gạo tự động lý giải cho chúng tôi: Thật ra, mỗi khi có người đến bấm nhận gạo thì hệ thống chuông đều báo vào chiếc điện thoại của người trực.
Nếu phát hiện người dân ăn mặc sang trọng hoặc đeo vàng nhiều thì nhân viên sẽ trao đổi với họ thông qua chiếc chuông đặt trước máy nhận gạo. Qua trao đổi, nếu người nào nhận thấy mình chưa thật sự cần thì họ sẽ tự động ra về.
Tuy nhiên, cũng có người ăn mặc có vẻ khá giả nhưng họ giải thích hiện tại mất việc làm và cần sự hỗ trợ thì nhân viên sẽ bấm nút Unlock, gạo sẽ ra cho họ nhận.
Ngoài ra, có nhiều người lớn chở theo 3-4 đứa con nít đến cùng xếp hàng nhận gạo, nhân viên trực cũng chỉ bấm cho một hoặc hai người nhận mà thôi. Số gạo này đủ cho một gia đình ăn trong ngày, nếu hôm sau hết họ có thể đến nhận tiếp.