Hội chứng gan là loại rối loạn ở gan rất hay gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân phát sinh thườn nhiễm mỡ do ăn uống không hợp lý, béo phì, tâm lý căng thẳng, sự thay đổi lối sống quá nhanh... Tất cả những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan và gây ra hội chứng gan bị suy yếu.
Gan là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể. Ngoài chức năng lọc độc tố, gan còn có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất đường và các axit béo thành năng lượng, chất dinh dưỡng đi nuôi các cơ quan khác trong cơ thể. Ở người bình thường, mỡ chỉ chiếm 2-4% trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ này tăng lên hơn 5% trọng lượng gan là tình trạng gan nhiễm mỡ.
Hình ảnh gan bình thường và gan nhiễm mỡ.
Ði tìm nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ cao của hội chứng gan nhiễm mỡ là: người có chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thường xuyên ăn các loại thực phẩm nhiều dầu, mỡ (đặc biệt là mỡ động vật), đường...; khẩu phần ăn thiếu đạm (protein); béo phì, ít vận động; mắc các bệnh viêm gan B, C; Dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây gan nhiễm mỡ...Gan nhiễm mỡ rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường typ II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân tiểu đường typ II bị gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mạn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan. Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu có thể phục hồi nếu bỏ hẳn rượu, nhưng nếu tiếp tục uống sẽ dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan.
Người bệnh gan nhiễm mỡ có thể cảm thấy mệt mỏi, hoạt động trở nên yếu ớt, cơ thể khó chịu và hay buồn nôn. Khi đi khám có thể thấy lá gan bị sưng to hơn bình thường. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị vàng da. Bệnh gan nhiễm mỡ thường xuất hiện đồng thời với các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu...
Những tác hại do gan nhiễm mỡ gây ra
Thời gian đầu, gan nhiễm mỡ không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được khắc phục sớm, gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển nặng hơn, gây những tổn thương lớn hơn như: làm giảm các chức năng gan, phá hủy các tế bào gan gây xơ gan, thậm chí dẫn đến ung thư gan... Trường hợp gan nhiễm mỡ cấp tính bệnh nhân sẽ bị vàng da, suy gan, có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Ðiều trị bệnh gan nhiễm mỡ
Hội chứng gan nhiễm mỡ được chia ra thành 3 độ: gan nhiễm mỡ độ I, gan nhiễm mỡ độ II và gan nhiễm mỡ độ III.
Đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ I còn nhẹ, các tế bào gan giảm chức năng không đáng kể. Lúc này, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, tăng cường vận động là có thể cải thiện được tình trạng suy yếu của gan. Nhưng khi gan nhiễm mỡ tăng ở mức độ II hay III thì bệnh lý đã trở nên đáng lo ngại, mức độ tổn thương gan đã nghiêm trọng hơn nên việc điều trị là vô cùng cần thiết để tránh xảy ra các thương tổn nặng hơn cho gan.
Một lưu ý đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ là người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thuốc bổ gan, làm mát gan. Những loại thuốc này vốn có tác dụng tăng cường giải độc và sức đề kháng cho gan nhưng nếu không dùng đúng cách thì từ lợi sẽ biến thành hại, gan từ mức độ tổn thương ít, sau khi dùng thuốc sẽ tổn thương nghiêm trọng hơn. Vì vậy, tốt nhất trước khi sử dụng thuốc bệnh nhân hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để nhận được những lời tư vấn cụ thể và chính xác nhất về chế độ dinh dưỡng cũng như liệu pháp điều trị.
Làm gì để phòng chống gan nhiễm mỡ?
Các rối loạn về chức năng gan sẽ không có cơ hội phát triển nếu như mọi người có một lối sống lành mạnh. Hầu hết các rối loạn ở gan có thể được trị dứt điểm, đặc biệt là ở giai đoạn sớm, điều trị đúng và thường xuyên, vì vậy, cần duy trì sức khỏe của gan thật tốt bằng cách: Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, trong đó có cả các bệnh về gan. Tập thể dục là giải pháp tốt để giảm bệnh gan, tuy nhiên không nên tập nặng và quá sức. Bạn nên tập những môn nhẹ nhàng với 30 phút mỗi ngày: bơi lội, yoga, đạp xe,... Hạn chế dùng rượu, bia. Đặc biệt nên nói “không” với loại rượu trên 30 độ.
Nên cân bằng cuộc sống của bản thân, giảm tải công việc. Đã có nhiều khuyến cáo rằng, nóng giận là tác nhân chủ yếu gây tổn hại đến gan. Khi ta nóng giận rất dễ khiến cho khí gan bị dồn nén không thông, lâu ngày thành bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ
Người bị gan nhiễm mỡ cần quan tâm đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo đẩy lùi căn bệnh một cách nhanh nhất:
Magnesium và chất chống ôxy hóa như vitamin C và E đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, giúp thanh lọc, giải độc, hỗ trợ chức năng gan, có nhiều trong: rau xanh, hạt bí ngô, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây họ cam quýt; Nên ăn nhiều rau, trái cây, thức ăn có chứa chất xơ để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ. Những thực phẩm giúp chức năng gan nhanh phục hồi: cần tây, cà rốt, rau mùi, trà xanh, trà hoa cúc, trà bạc hà, cam, chuối, chanh...Thức ăn không chứa năng lượng như tảo, rong biển, nấm cũng rất tốt với những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ; Cố gắng giảm thiểu hoặc tránh nạp các thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối. Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như: phủ tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà.
Theo BS. Thu Anh/suckhoedoisong