Có lẽ cho đến giờ, với điện ảnh trong nước chỉ có Gặp gỡ mùa thu đã làm được điều đó, đó là không khí cho các nhà làm phim trẻ, nơi người trẻ và người đi trước đủ lòng tin ở nhau. Họ vô tư nói về dự án của mình mà không lo bị ai đó “cướp” mất ý tưởng hay bị chê cười.
Bước ra từ những cuộc gặp gỡ
Khoảng 10 ngày trước, dự án phim Vợ ba (Nguyễn Phương Anh và Trần Thị Bích Ngọc) đạt được hai giải ở HAF, là Diễn đàn tài chính điện ảnh châu Á thuộc Liên hoan phim (LHP) Hong Kong. Hai giải thưởng gồm: Giải thưởng lớn cho dự án ngoài Hong Kong (trị giá 150.000 HKD) và Giải White Light Post-Production (tài trợ gói sản xuất hậu kỳ từ White Light Studio, Thái Lan có giá trị 116.200 HKD). Hay hồi cuối tháng 1 là bộ phim ngắn Another city (Phạm Ngọc Lân) đã cùng 24 phim khác tranh giải Gấu vàng, Gấu bạc cho hạng mục Phim ngắn ở LHP Berlin.
Vợ ba và Another City là hai dự án phim từng có mặt tại chương trình Gặp gỡ mùa thu trong nước trước khi bôn ba tại các LHP nước ngoài. Vợ ba là dự án từng đoạt giải thưởng lớn ở Gặp gỡ mùa thu 2015; còn Phạm Ngọc Lân của Another City từng là học viên năm đầu tiên của Gặp gỡ mùa thu.
Và trước đó, hai dự án giành giải dự án hay nhất của Góc phim nghệ thuật và Thế giới phim giải trí tại Chợ kịch bản phim ở Gặp gỡ mùa thu 2014 là Cha Cha (Đỗ Quốc Trung) và Thằng Ròm (Trần Dũng Thanh Huy) đã trở thành hai trong 20 dự án được mời đến Hội chợ dự án phim châu Á (Asian Project Market) trong khuôn khổ LHP Busan 2015 tại Hàn Quốc để tìm kiếm những cơ hội hợp tác sản xuất.
Các nhà làm phim Việt cùng chụp ảnh kỷ niệm tại Gặp gỡ mùa thu 2015. Ảnh: QUỲNH TRANG
Chờ đợi mùa thứ tư
Gặp gỡ mùa thu khởi nguồn từ ý tưởng của bộ ba đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Dung nhằm hỗ trợ những người làm phim trẻ, độc lập. Với đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: “Điều lớn nhất sự kiện này mang lại là các em trẻ (và ngay cả tôi) được gặp gỡ, học hỏi từ các đạo diễn lớn như Trần Anh Hùng, các nhà quay phim chuyên nghiệp từ Hàn Quốc... Có học vậy các bạn trẻ mới vỡ ra rất nhiều, bởi đào tạo chính quy bây giờ ở trong các trường điện ảnh vẫn loay hoay quanh một số kiến thức mà thiếu những kinh nghiệm cụ thể từ các chuyên gia về dựng màu, quay phim…”.
Còn theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì “Gặp gỡ mùa thu có thể xem là một khởi sự của giáo dục điện ảnh cho thế hệ làm phim mới. Bởi thực tế, giáo dục điện ảnh Việt Nam chưa thật tốt, nhất là cho các bạn làm phim độc lập, họ khó có cơ hội học, cọ xát”.
Và với đạo diễn Phan Đăng Di, “linh hồn” của Gặp gỡ mùa thu, thì “Kinh nghiệm của tôi là những người làm phim trên toàn thế giới nên được gặp nhau thường xuyên, gặp để chia sẻ, để nói chuyện... Có thể thấy cái hạn chế các nhà làm phim Việt Nam là khả năng ngoại ngữ, nếu không ra nước ngoài không thể làm phim được. Thế nên tôi muốn có những giao lưu nước ngoài ngay trong nước để các nhà làm phim trẻ làm quen với nhau. Dù chương trình còn trong phạm vi hẹp nhưng nếu không làm, chúng ta càng mất cơ hội. Trước khi chờ ai cứu mình thì có lẽ mình phải tự cứu nhau trước. Điện ảnh trẻ Việt Nam tiềm năng lắm nhưng thiếu cơ hội giao lưu” - đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Gặp gỡ mùa thu đã từng bước làm được nhiệm vụ kết nối, là bệ đỡ cho các nhà làm phim trẻ, mà rõ nhất là ở LHP Berlin, Hong Kong, Busan… thời gian qua. Hay hơn cả, đạo diễn Victor Vũ, một gương mặt ngồi ghế phản biện cho các dự án phim tại Gặp gỡ mùa thu, cho rằng: “Không khí của Gặp gỡ mùa thu luôn như một gia đình. Mọi người cùng đến khai thác, sáng tạo một cách thoải mái”.
Vẫn chưa biết năm nay số phận của Gặp gỡ mùa thu sẽ đến đâu bởi khó khăn tài chính cũng thường ngáng đường những người làm nghệ thuật... Nhưng nói như đạo diễn Phan Đăng Di thì “khó thì khi nào cũng khó, ai cũng phải nai lưng kiếm tiền nhưng để giúp các bạn trẻ không có gì ngoài việc phải nỗ lực hết mình”.
Thời tin “nổ” lan nhanh hơn tin thật Những ngày cuối tháng 3 này, điện ảnh Việt chứng kiến tin… hài. Đó là một nhà làm phim trong nước “nổ” rằng phim họ đã đến vòng tuyển chọn của LHP Cannes 2016 nhưng thực tế Cannes chỉ thông báo rằng họ cám ơn vì đã gửi phim. Chuyện “nổ” không còn lạ với giới làm phim xứ Việt nhưng lạ đời là tin thực chất lại không được nhiều người biết và lan nhanh bằng tin “nổ”. Những tin phim Việt được biết ở nước ngoài bằng những dự án phim đàng hoàng hầu như không có bạn đọc. Nhưng tin phim của danh hài đến Cannes dù đọc ngỡ như hài nhưng rồi người xem vẫn cao chất ngất. |