Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết 07/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 về tội khủng bố và Điều 300 về tội tài trợ khủng bố BLHS. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2019.
Nghị quyết hướng dẫn một số thuật ngữ áp dụng tại Điều 299 và Điều 300 BLHS. Trong đó, “tình trạng hoảng sợ trong công chúng” là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ. Ví dụ: Hành vi gây nổ ở khu vực bến xe làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông.
Vụ nổ ở Cục Thuế tỉnh Bình Dương được thực hiện theo chỉ đạo của Lisa Phạm (ảnh nhỏ) là thành viên tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố có thể thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Ví dụ: Quảng trường, trung tâm thương mại, nơi giao cắt đường giao thông, tại nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, các tòa nhà…
Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng (ví dụ: tại nhà riêng hoặc trong sở cơ quan…) nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
Huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố là hành vi vận động, kêu gọi các nhân, tổ chức cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, các nhân khủng bố là hành vi cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Tấn công, xâm hại mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động bình thường, an toàn và bảo mật của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
+ Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
+ Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
+ Xâm nhập, làm tổn hại, chiếm đoạt dữ liệu được lưu trữ, truyền đưa qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
+ Xâm nhập, tạo ra hoặc khai thác điểm yếu, lỗ hổng bảo mật và dịch vụ hệ thống của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
+ Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức thiết yếu, cơ mật (ví dụ: Chính phủ, cơ quan quân sự, công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…).
+ Chiếm quyền điều hành hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thoog, phương tiện điện tử.
+ Hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
Cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội vừa có dấu hiệu của tội khủng bố vừa có dấu hiệu của tội phạm khác nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố.