Gần đây nhất, sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh nhà người dân bị tạt sơn, khủng bố, hôm sau Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố hai bị can để xử lý.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao trước đó khi người dân phản ánh, công an đã không ra tay mà phải đợi đến khi báo chí lên tiếng thì họ mới quyết liệt vào cuộc. Hậu quả là suốt thời gian dài người dân sống trong sợ hãi.
1.
Ngày 8-8, Công an quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng khởi tố Đặng Ngọc Dũng (trú quận Cẩm Lệ) và Mai Văn Khánh (trú quận Thanh Khê) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 28-5, anh Trần Nguyễn Quốc Việt chở vợ con trên đường thì nhóm người của Dũng chặn xe, buộc anh viết hai giấy nhận nợ 800 triệu đồng không liên quan gì đến anh. Nhóm này còn lấy luôn cả xe máy của anh Việt, sau đóđem trả khi nghe lời khuyên của bạn nhậu…
Anh Việt trình báo sự việc ngay cho công an phường rồi cả gia đình sống trong sợ hãi: Nhà anh nhiều lần bị tạt sơn, ném đá; anh và người thân liên tục nhận điện thoại, tin nhắn đe dọa... Quá sợ hãi, anh đưa vợ con tránh mặt. Một ngày sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin vụ việc, công an đã khởi tố bị can…
Quán Phở Hòa Pasteur liên tục bị tạt mắm tôm, chất bẩn nhưng chỉ sau khi báo chí lên tiếng thì các đối tượng liên quan mới bị bắt. Ảnh: PN
2.
Ngày 31-7, Pháp Luật TP.HCM thông tin về việc quán phở Hòa Pasteur liên tục bị khủng bố bằng chất bẩn để ép chủ quán trả món nợ chẳng liên quan gì đến họ. Theo thông tin của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, chỉ sáu tiếng đồng hồ sau khi nhận tin, đơn vị này đã phối hợp với Công an quận 3 bắt giữ năm người liên quan vụ việc để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản, làm giả giấy tờ, buôn lậu...
Từ đầu tháng 7 cho đến lúc Pháp Luật TP.HCM thông tin, quán đã tám lần bị khủng bố và mỗi lần bị tạt chất bẩn, gia đình đều trình báo với công an phường nhưng sự việc vẫn cứ tiếp diễn, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước.
Ngay sau khi báo thông tin, cảnh sát hình sự vào cuộc, phường đã cử lực lượng đến túc trực trước quán để giữ an ninh.
3.
Trước đó, tháng 7-2018, nhà một người dân ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM bị tạt sơn, mắm tôm vì khoản nợ con dâu trong gia đình vay bên ngoài rồi bỏ trốn mà gia đình không biết.
Sự việc được gia đình trình báo lên công an phường nhưng sau đó họ tiếp tục bị khủng bố bằng chất bẩn. Và mỗi lần bị khủng bố, gia đình đều chạy đến công an phường trình báo nhưng sự việc vẫn tiếp diễn.
Hoảng sợ, gia đình khóa cửa, dắt díu nhau đi lánh mặt. Không thể trốn mãi, cô H. (người của gia đình) đành viết đơn “xin xã hội đen cho cô được đi dạy”.
Ngay sau khi “đơn” của cô đăng trên mạng xã hội, báo chí thông tin… chính quyền đã cử lực lượng đến túc trực, động viên gia đình cô giáo quay về nhà sinh sống. Phường cũng cho người đến sơn lại cửa, xóa hình ảnh vẽ bậy...
4.
Điểm chung trong các vụ khủng bố trên là các nạn nhân không liên quan gì đến khoản nợ và họ đều đến công an phường trình báo khi bị đe dọa. Những gì mà công an phường đã làm sau khi người dân trình báo là đến ghi nhận hiện trường, lập biên bản sự việc. Và sau đó người dân tiếp tục bị đe dọa, khủng bố, họ lại tiếp tục đến công an trình báo.
Các sự việc trên nếu xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu… người dân còn có cái để thông cảm vì “năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế”. Đằng này mọi chuyện lại xảy ra tại hai TP trực thuộc trung ương, công an phường là lực lượng chính quy nên không thể có chuyện “hạn chế”.
Chưa hết, luật pháp liên quan để xử lý những hành vi “vô pháp vô thiên” của những người đòi nợ kiểu khủng bố là không thiếu, từ xử phạt hành chính cho đến xử lý hình sự đều đầy đủ.
Chưa kể là từ năm 2017, Thủ tướng đã có chỉ thị xử lý nạn tín dụng đen và mới nhất là tháng 4-2019, Thủ tướng lại tiếp tục ra Chỉ thị 12/CT-TTg yêu cầu tiếp tục xử lý nạn này. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 01/2017…) về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, nhất là tin báo, tố giác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thế nhưng trong các vụ việc nói trên, người dân vẫn cứ phải nơm nớp lo sợ, không dám về nhà dù đã làm đúng pháp luật cũng như quy trình mà họ được tuyên truyền.
Vì vậy, chỉ có thể lý giải việc không giải quyết rốt ráo để người dân phải sống trong sợ hãi là “Hành vi thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, biểu hiện của sự suy thoái” như lời ông chủ tịch quận Bình Tân khi nói về vụ việc của cô giáo H.
Luật pháp, quy định không thiếu, chủ trương từ trung ương đến các địa phương là rất rõ ràng… nhưng không hiểu sao trong các vụ việc nói trên công an lại phản ứng quá chậm, khiến người dân luôn sống trong lo âu, sợ hãi. Phải chăng sự vô cảm của một số cán bộ liên quan đã phần nào làm suy giảm hiệu lực chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ?