Gia Lai ngừng thu phí trường công lập: Phụ huynh lo lắng

(PLO)- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng một số khoản thu phí hỗ trợ giáo dục theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh Gia Lai là trái quy định pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, xác nhận đơn vị đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính có văn bản dự thảo tham mưu UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xem xét lại kết luận về hai nội dung trong nghị quyết 47/2022/NQ-HĐND năm 2022 của HĐND tỉnh Gia Lai chưa phù hợp.

Theo ông Long, sau khi Cục ra kết luận số 14/KL-KtrVB ngày 9-1-2024, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương và ngành giáo dục phải tạm thời không thu phí các khoản thu tại phụ lục nghị quyết 47 về “các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập”.

Nhà trường và phụ huynh lo lắng

Theo phản ánh từ nhà trường, thông báo tạm dừng không thu phí các khoản thu trong nghị quyết 47, sẽ khiến nhiều hoạt động của nhà trường như: các môn tự chọn (tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học), các môn tăng cường, bồi dưỡng, thể thao, hướng nghiệp ngoài nhà trường…

Để thực hiện đúng quy định, các nhà trường phải có sự điều chỉnh lại các chương trình học phù hợp, đặc biệt là hoạt động bán trú.

tạm ngừng thu phí trường học.jpg
Việc tạm dừng thu phí ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học của các trường và phụ huynh học sinh. Ảnh: LK.

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, hàng loạt trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai phải có thông báo tạm dừng không thu phí các khoản thu và thay đổi nội dung bán trú. Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP Pleiku), nhà trường đã thông báo lên hai phương án xin ý kiến của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm về thay đổi lịch học, bán trú.

Cụ thể, phương án một đối với khối lớp 1 và 2 sẽ điều chỉnh có ba buổi các cháu học sinh về lúc 10 giờ (trước đó bán trú nguyên tuần); phương án hai, các cháu về lúc 11 giờ. Sau đó, phương án được điều chỉnh lại, các cháu học sinh được bán trú năm ngày/tuần, chỉ đón về sau buổi học sáng thứ 6.

Phụ huynh NTT (ngụ phường Ia Kring, có con học lớp 2 Trường TH Lê Quý Đôn) băn khoăn: “Ban đầu, rất nhiều phụ huynh lo lắng các cháu không còn ở bán trú nữa, phải đưa đón rất vất vả, ảnh hưởng công việc. Nguyện vọng của phụ huynh là duy trì thu phí các khoản phí này. Sau khi có thông báo trên, ngay cả tiền nước không được thu phí nên tôi phải đi mua bình nước mới cho cháu”.

Tại Trường Tiểu học Mầm non Hoa Hồng (đường Nguyễn Thái Học, TP Pleiku) là trường có số học sinh đông nhất tỉnh với gần 900 cháu mầm non. Thông báo ngừng thu phí này cũng khiến nhà trường lo về giải pháp khắc phục.

Cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mầm non Hoa Hồng, bày tỏ việc ngừng thu phí này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của trường. Đối với một số khoản phí đã thu từ đầu thì vẫn duy trì bình thường, riêng khoản thu tiền nước cho các cháu xảy ra điều chỉnh, bất cập.

“Theo thông báo trên, việc thu phí tiền nước 5.000 đồng/tháng sẽ bị tạm dừng. Trong khi các cháu rất nhỏ, để cho các cháu mang nước theo từ nhà thì không đảm bảo, việc bảo quản bình nước cũng khó khăn. Chúng tôi mong muốn sớm có hướng dẫn để các trường thực hiện đúng quy định”, cô Thủy nói.

Ngừng thu phí công lập
Trong các khoản tạm dừng thu phí có nội dung ngừng thu tiền nước uống. Nội dung này, đối với các cháu mầm non gây nên nhiều bất cập. Ảnh: LK.

Theo cô Thủy, nếu không có sự điều chỉnh sớm, thì không chỉ năm này mà sang năm học mới 2024-2025 sẽ xảy ra nhiều bất cập. Cụ thể, các khoản thu phí như giường ngủ, chăn, ghế ngồi chào cờ… cho các cháu sẽ không được thu, phụ huynh phải tự mua sắm vì không nằm trong “dịch vụ hỗ trợ” giáo dục theo quy định.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Gia Lai trái pháp luật?

Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận có hai nội dung trong Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh Gia Lai chưa phù hợp, trái quy định.

Cụ thể, thứ nhất là một số khoản thu phí trong dịch bán trú liên quan hàng hóa (như đồng phục, ghế ngồi chào cờ, bảng tên), nước uống cho học sinh… không phải là dịch vụ, trái với Luật Giá năm 2012 - Vì dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình.

Thứ hai, là các khoản thu các môn tự chọn (tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học), các môn tăng cường, bồi dưỡng, thể thao, hướng nghiệp ngoài nhà trường… không phù hợp với quyết định 43/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dịch vụ hỗ trợ giáo dục.

Nghị quyết 47/HĐND tỉnh Gia Lai thu phí trái quy định pháp luật
Trong kết luận của Cục, nội dung liên quan hàng hóa, phí ghế ngồi chào cờ không được xem là dịch vụ. Ảnh: LK.

Theo đó, Cục đề nghị HĐND tỉnh Gia Lai khẩn trương xử lý nội dung trái pháp luật của nghị quyết 47/NQ-HĐND và rà soát khắc phục. Qua đó, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật.

Ông Long thừa nhận, việc dừng thu phí các khoản thu thời điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trường và phụ huynh học sinh. Trước mắt, ngành giáo dục sẽ tạm dừng thu phí các khoản thu như đã nêu trong kết luận. Đồng thời, xin ý kiến của UBND tỉnh, giải trình liên quan kết luận. Sau đó, sẽ có tham mưu, điều chỉnh phụ lục trong Nghị quyết 47 cho phù hợp.

Theo ông Long, việc xây dựng Nghị quyết 47 được căn cứ theo Luật Giáo dục năm 2019, Nghị định 24/2021, Nghị định 81/2021… áp dụng phù hợp với địa phương, không có ý kiến phản đối nào từ người dân.

“Quá trình thực hiện Nghị quyết 47 thời gian qua đã hạn chế việc lạm thu trong các trường học, tạo sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh”, ông Long nói.

Cần sớm có văn bản hướng dẫn

Trao đổi với PLO, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết tại địa phương cũng đang gặp vướng mắc sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có kết luận số 05/KL-KtrVB ngày 9-1-2024. Sở đã có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh về việc này.

Theo bà Trung, thực hiện Luật Giáo dục giáo năm 2019, thẩm quyền HĐND tỉnh được ban hành các dịch vụ phục vụ hỗ trợ ngoài học phí để tổ chức các hoạt động giáo dục. Các danh mục phục vụ hỗ trợ này đã góp phần minh bạch hoạt động của nhà trường và khắc phục triệt để lạm thu, đảm bảo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Theo đó, cái vướng hiện này là do cách đặt tên chưa đầy đủ, bản chất là dịch vụ. Việc ngừng thu phí các khoản thu theo kết luận này sẽ ảnh hưởng hoạt động giảng dạy và học tập của học sinh.

Đơn cử như thời lượng chính khóa với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, sẽ đến trường từ 8 giờ và 10 giờ ra về, chiều từ 14 giờ và 16 giờ về. Nếu nhà trường giữ các cháu ở lại bán trú mà không tổ chức các hoạt động giáo dục khác (như các môn học tự chọn) thì việc giữ các cháu như việc trông trẻ thì không ai làm.

Tới đây, Sở cũng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT có ý kiến với Bộ Tư pháp để có cách hiểu thống nhất giữa dịch vụ giáo dục và dịch vụ phục vụ hỗ trợ giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm