Giá như T được cấp căn cước công dân...

(PLO)- Khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7, ai cũng có thể được cấp căn cước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một buổi chiều của tháng 4, tôi nhận được cuộc điện thoại của một bạn đọc cũ rồi thấy buồn cho một phận người. Bạn đọc báo: “Cô ơi, thằng T vừa bị công an bắt rồi, nghe bảo nó cướp điện thoại của người ta nên bị bắt”. Tôi liền gọi cho lại ba, mẹ T nhưng không liên lạc được.

Mời bạn đọc xem thêm:

Ba anh em hơn 20 tuổi chưa có giấy khai sinh

Vụ 3 anh em chưa có giấy khai sinh: Cả 3 đã được cấp

T là một trong ba anh em đã hơn 20 tuổi chưa được làm giấy khai sinh mà cách đây bốn năm báo Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh.

Hoàn cảnh của ba anh em rất đặc biệt. Khi mới sinh ra, vì không hiểu biết nên ba mẹ em không làm giấy khai sinh cho con dù cả hai đều có giấy tờ tùy thân và có nơi ở ổn định. Sau khi báo lên tiếng, cả ba anh em T được chính quyền địa phương hỗ trợ làm giấy khai sinh.

luật căn cước

Có giấy khai sinh, có chủ hộ là người cô ruột bảo lãnh nhưng căn nhà nơi ba anh em ở lại là tài sản thừa kế của bà nội và một trong những người thừa kế không đồng ý cho ba anh em nhập khẩu vào. Theo quy định của Luật Cư trú 2020, để đăng ký thường trú cần đáp ứng hai điều kiện: phải được cả chủ hộ và chủ sở hữu (nếu tài sản thừa kế thì tất cả những người thừa kế phải đồng ý). Chính vì vậy, việc cấp CCCD của ba anh em T coi như "tắc" vì không thể đăng ký thường trú được nếu chẳng nơi nào khác đồng ý cho nhập khẩu vào.

Chúng tôi đã từng gặp và tiếp xúc với ba anh em T, những con người hiền lành nhưng lúc nào cũng luôn mặc cảm với cuộc đời vì trong người không có giấy tờ tùy thân. Còn nhớ câu nói nghẹn ngào của T cách đây bốn năm khi được hỏi về mong muốn tương lai: “Giá như có CCCD, em sẽ xin làm công nhân, có lương hàng tháng, để không phải rửa chén một ngày 8 tiếng mà chỉ nhận được 100 ngàn đồng; để ra đường vào ban đêm không sợ công an hỏi giấy tờ tùy thân đâu…”.

Một người khi phạm tội thì không thể đỗ lỗi cho số phận nhưng giá như em T được cấp CCCD, có công việc ổn định thì cuộc đời em có lẽ đã rẽ sang hướng khác tốt đẹp hơn, xã hội sẽ bớt đi một gánh nặng.

Chính vì thế, việc cấp căn cước đối với những người ‘vô gia cư’ không có đủ điều kiện đăng ký thường trú theo Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7 là một điều cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay để ai cũng có giấy tờ tùy thân, ai cũng được cấp căn cước.

Điều 19, Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ 1-7) quy định người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Đối với công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Tại Điều 30 Luật Căn cước quy định: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã được cấp Giấy chứng nhận căn cước. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm