Theo thống kê của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, giá thuê mặt bằng thương mại ở Thuận Kiều Palza (còn có tên khác là Garden Mall) hiện thấp nhất 20 USD/m2/tháng và cao nhất 50 - 60 USD/m2. Tính trung bình, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại cao ốc này đạt 30 - 40 USD/m2/tháng, cao hơn gấp đôi so với quý IV/2015.
Dù giá thuê mới khá cao nhưng 25.000 m2 sàn thương mại (4 tầng) tại Thuận Kiều Plaza vẫn có tỷ lệ lấp đầy trung bình lý tưởng. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy của tầng trệt đạt 100% và tỷ lệ lấp đầy của các tầng bên trên đạt 80-90%. Riêng các căn hộ Thuận Kiều Plaza (648 căn) vẫn chưa có thông tin chính thức từ chủ đầu tư.
Tòa nhà Thuận Kiều Plaza đã được đổi “áo” màu xanh sau gần 20 năm mặc “áo” đỏ. Ảnh: VIỆT HOA
Thuận Kiều Plaza nằm tại khu đất vàng ở quận 5, giới hạn bởi bốn tuyến đường Hồng Bàng, Thuận Kiều, Tân Hưng, Dương Tử Giang và đường Đỗ Ngọc Thạnh chạy xuyên giữa công trình.
Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1994 và năm 1999 bắt đầu hoàn thành và đi vào khai thác. Đó là công trình cao tầng đầu tiên, biểu tượng cho sự phát triển của TP.HCM thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau khi đi vào khai thác không bao lâu thì rơi vào tình trạng ế ẩm, khách hàng lần lượt khăn gói ra đi. Kế đó là những lời đồn đoán dị đoan, cho rằng Thuận Kiều Plaza bị "ma ám", hoặc dính bùa ngải, hoặc bị yểm bùa... Điều này càng khiến cho Thuận Kiều trở nên hoang lạnh, được xem là tòa nhà bí ẩn nhất Sài Gòn.
Đến năm 2013, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia sở hữu khối tài sản "khủng" nhất nhì TP.HCM Trương Mỹ Lan đã thâu tóm dự án này. Khi vừa tiếp nhận, đã có thông tin chủ đầu tư mới sẽ đập bỏ dự án để làm lại. Tuy nhiên, không ít lâu sau, lãnh đạo công ty Cổ phần đầu tư An Đông (một thành viên của Vạn Thịnh Phát) khẳng định, không có chuyện đập bỏ mà sẽ tiến hành cải tại, chỉnh trang lại.
“Lý lịch” Thuận kiều Plaza Thuận Kiều Plaza được xây dựng trên khu đất có diện tích 9.971 m². Công trình gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe… Tòa nhà này nằm giữa 4 tuyến đường Hồng Bàng, Thuận Kiều, Tân Hưng, Dương Tử Giang và đường Đỗ Ngọc Thạnh chạy xuyên giữa công trình. Năm 1994: Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) và Kings Harmony Int MTV của Hong Kong liên doanh xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD. Năm 1999: Hoàn thành và đưa vào khai thác nhưng chỉ vài năm sau thì rơi vào tình trạng ế ẩm hơn chục năm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không cải tạo lại mà để dự án này “chết lâm sàng” mặc cho dư luận đồn đoán dị đoan. Năm 2013: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm dự án này và vào tháng 2-2013, sổ đỏ của dự án đã đứng tên Công ty Cổ phần An Đông. Tháng 1-2015: UBND TP.HCM đã có quyết định cho Công ty Cổ phần An Đông thuê đất trong vòng 50 năm, trả tiền thuê đất một lần. Số tiền thuê đất tạm tính là 105 tỉ đồng. Đến năm 2016, chủ đầu tư đã nộp 75 tỉ đồng. Tháng 6-2016: tòa nhà được Sở Xây dựng cấp phép sửa chữa cải tạo. |