Trong tuần qua, chỉ có một phiên duy nhất giá bán vàng miếng SJC bật lên mốc 58,15 triệu đồng/lượng, còn lại các ngày khác đều lình xình quanh ngưỡng 56,6 triệu đồng/lượng.
Cuối tuần, giá mua – bán vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 55,35 – 56,75 triệu đồng/lượng, tính chung cả tuần giá vàng chỉ tăng khoảng 200.000 – 300.000 đồng/lượng.
Điều đó có nghĩa, những nhà đầu tư trót ôm vàng “lướt sóng” từ vùng giá 58 - 62 triệu đồng/lượng vẫn chưa biết ngày nào mới có thể “vào bờ”. So với vùng giá cao kỷ lục, nếu bán ở thời điểm này mỗi lượng vàng đã bốc hơi khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng: Không ai có thể biết trước chính xác đâu là đỉnh hoặc đáy của giá vàng. Cho nên, nếu mục đích đầu tư lướt sóng thì cách tốt nhất là phải biết chế ngự lòng tham, tức chốt lời hoặc cắt lỗ ở một mức mà bản thân chấp nhận được.
Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là giữ lâu dài, bởi khi hàng loạt nhà đầu tư tổ chức vẫn tiếp tục “vớt” thêm ở các vùng giá thấp thì vàng vẫn còn cơ hội tăng trở lại.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đứng lại quanh mức 1.943USD/ounce. So với mức giá cao nhất trong tuần là 2.013 USD/ounce thì đến cuối tuần giá vàng thế giới giảm tới 70 USD/ounce, tức giảm tới gần 2 triệu đồng/lượng.
Với mức giá này, kim loại quý trên thị trường thế giới vẫn thấp hơn giá vàng trong nước tới 2,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới trong tuần sau khi quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce trong chớp nhoáng đã nhanh chóng lao dốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 với thông tin kém tích cực về lãi suất và các gói cứu trợ. Ngay sau báo cáo, giá trị đồng bạc xanh đã phục hồi từ vùng đáy, điều này cũng khiến giá vàng sụt giảm.
Theo một số chuyên gia, trong ngắn hạn đà tăng của đồng và áp lực chốt lời của các nhà đầu tư sẽ khiến giá vàng khó có thể bật tăng trở lại, nhiều khả năng trong tuần tới, giá vàng sẽ ở mốc 1.900 USD/ounce. Và đây có thể là vùng giá tốt để những nhà đầu tư mua vào.