LTS: Người mua nhà liên tiếp đón nhận các tin vui khi Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, cùng với đó là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp.
Trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng đã đưa ra các đề xuất nhằm rút ngắn thời gian lập quy hoạch, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng nhà ở xã hội, từ đó tăng nguồn cung, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Một chung cư vừa túi tiền tại quận Bình Tân với một số tiện ích như công viên, sân chơi thể thao... Ảnh: THU HÀ |
Giá nhà đất mỗi năm đều tăng cao, bỏ xa thu nhập của đa số người dân ở đô thị, nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) vừa túi tiền thì ngày càng khan hiếm khiến giấc mơ có một chốn an cư tươm tất của hàng triệu người dân thêm xa vời.
Thu nhập thấp không thể mua nhà
Chiều muộn, chúng tôi mới hẹn gặp được chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, công nhân Công ty May 10, tại khu nhà trọ nằm sâu trong con hẻm nhỏ gần Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM.
“Khu trọ nằm sát con mương quanh năm ô nhiễm nhưng bù lại giá thuê rẻ, chỉ 2 triệu đồng/tháng trong khi các khu khác phải 3-4 triệu đồng, lương công nhân không thể kham nổi” - chị Bích nói.
Hơn tám năm ở trọ trong căn phòng vỏn vẹn 15 m2, gia đình chị Bích với tổng thu nhập của hai vợ chồng 15-20 triệu đồng/tháng chỉ vừa đủ ăn. Với số dư chỉ 2-5 triệu đồng/tháng, chị Bích tự thấy có lẽ 30 năm nữa cũng khó có đủ tiền để mua một căn hộ chung cư giá rẻ.
Nhiệm vụ đặt ra cho TP là đẩy mạnh phát triển NƠXH để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân.
Cùng cảnh ngộ, chị Phan Thương cũng thuê trọ ở căn phòng chưa tới 20 m2 với giá 2 triệu đồng/tháng suốt 10 năm qua. Mỗi ngày chị Thương trải miếng nệm nhỏ ngủ dưới đất, nhường phần gác cho cha mẹ với giấc mơ tiết kiệm để chờ cơ hội mua nhà.
Nói về ước mơ lâu năm của mình, chị Thương hồ hởi cho biết tổng thu nhập của cha chị khoảng 20 triệu đồng/tháng, lương của chị là 15 triệu
đồng/tháng. Chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng cả nhà để dành được 7-9 triệu đồng. Chị Thương nghĩ có thể đủ để chi trả tiền ngân hàng vay mua NƠXH hoặc ít nhất là thuê một căn nhà tốt hơn để ở. “Tôi nghĩ không lẽ cứ sống tạm bợ cả đời ở xóm trọ này” - chị Thương nói.
Những năm qua chị đã tìm hiểu nhiều dự án nhà ở giá rẻ, NƠXH nhưng nhận thấy cơ hội tiếp cận thấp do không biết thông tin hoặc có cũng không tới lượt mình.
Giai đoạn 2016-2020, nhà ở thương mại tại TP.HCM vượt gần 113% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây vượt hơn 23% chỉ tiêu nhưng riêng NƠXH chỉ đạt 69% chỉ tiêu. So với các loại hình nhà ở khác, NƠXH chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cơ hội mua được NƠXH giống như… trúng số
May mắn hơn nhiều người, ba năm trước, gia đình bốn người của chị Đinh Quỳnh Trang (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đã mua được một căn hộ NƠXH sau 15 năm ở trọ. Chị Trang đã tìm tòi các dự án giá rẻ rất lâu và may mắn biết được dự án này thông qua một bài báo mà đồng nghiệp chia sẻ trên mạng xã hội.
“Sau một năm chờ đợi kể từ khi nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng TP, gia đình tôi vô cùng bất ngờ và vui mừng khi có tên trong danh sách được mua nhà. Căn hộ của tôi rộng 54 m2, trả trước 20% giá trị căn hộ (140 triệu đồng) và mỗi tháng chỉ góp 3,6 triệu đồng trong vòng 15 năm” - chị Trang nói.
Trên thực tế, rất ít người may mắn như chị Trang. Chị Võ Thị Lan Anh (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) dù làm việc trong môi trường truyền thông, tiếp xúc nhiều với thông tin báo, đài nhưng vẫn nhận xét việc tìm thông tin về NƠXH như mò kim đáy bể. Cuối năm ngoái, chị Lan Anh biết có một dự án ở TP Thủ Đức vừa động thổ nên tìm cách đăng ký nhưng thông tin rất ít ỏi. Đến khi chị tiếp cận được thì đã hết suất.
Với mức thu nhập ổn định 30-35 triệu đồng/tháng tại TP.HCM, chị Lan Anh được xem là “khá” nhưng để mua nhà ở thương mại vẫn là quá khả năng. Nếu được tiếp cận NƠXH, hưởng mức hỗ trợ lãi suất 8,2% trong năm năm theo gói vay tín dụng 120.000 tỉ đồng thì chị sẽ mua được nhà nhưng vấn đề là không tìm ra nguồn cung.
Căn phòng trọ 20m2 tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức của gia đình chị Ngọc Bích. Ảnh: THU HÀ |
Vì sao nguồn cung khan hiếm đến vậy?
TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức như tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng dân số nhanh, mật độ dân số cao, phân bố dân cư chưa hợp lý…
Theo dự báo, bình quân TP.HCM tăng khoảng 200.000 người/năm và 1 triệu
người/năm năm. Nhiệm vụ đặt ra cho TP là đẩy mạnh phát triển NƠXH để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội tại một đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 9 triệu người.
Qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đã phát triển khoảng 53,7 triệu m2 sàn nhà ở, vượt chỉ tiêu 34%. Tuy nhiên, TP vẫn thiếu nguồn cung NƠXH, nhà ở cho thuê và nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của phần đông người lao động.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân NƠXH rất khan hiếm, đặc biệt ở các đô thị lớn là do loại hình này gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, việc thẩm định giá bán, thuê mua và xác định đối tượng. Một dự án thương mại bình thường đã kéo dài, dự án NƠXH còn có nhiều thủ tục hơn và khó hơn khiến tiến độ kéo dài thêm.
“Thủ tục triển khai dự án NƠXH có những điểm không hợp lý như dự án thì được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất theo quy định, rồi sau đó mới làm thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất này” - ông Khiết dẫn chứng.
Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP đã kiến nghị những giải pháp nhằm rút ngắn thời gian so với thực hiện tuần tự theo Luật Quy hoạch đô thị. Mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng NƠXH, từ đó tăng nguồn cung, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Điều này kỳ vọng sẽ gỡ được vướng mắc khi làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo điều kiện triển khai nhanh, thu hút thêm nhà đầu tư đưa quỹ đất vào phát triển NƠXH.•
Quý I-2023 cả nước chỉ có một dự án NƠXH được cấp phép mới
Theo báo cáo thị trường nhà ở và bất động sản mới nhất của Bộ Xây dựng, trong quý I, cả nước có một dự án NƠXH với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; năm dự án với quy mô 1.908 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; bốn dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng. Tính đến nay, cả nước có 397 dự án NƠXH và nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng với quy mô hơn 453.000 căn hộ. Trong đó, đang triển khai xây dựng 152 dự án với quy mô trên 153.000 căn hộ, còn đang thực hiện thủ tục đầu tư có 245 dự án với quy mô khoảng 300.000 căn hộ.
Giá nhà cao gấp 20 lần thu nhập trung bình của người dân
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết TP.HCM hiện có 122.111 công chức, viên chức nhưng mới chỉ có hơn 5.000 cán bộ được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà. TP có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động mà phần lớn muốn thuê NƠXH hoặc phòng trọ.
“Giá nhà tăng liên tục trong năm năm gần đây. Trong lúc giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp 6-7 lần mức thu nhập thì giá nhà bình dân tại nước ta khoảng 2 tỉ đồng trở lại đã cao gấp 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân lao động và người nhập cư rất khó có cơ hội tạo lập nhà ở nếu không có chính sách hỗ trợ” - ông Châu cho biết.