Ngày 17-2, tất cả 12 đội tham gia cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Cuộc đua Clipper) đã đồng loạt cập cảng Sông Hàn của TP Đà Nẵng trong sự chào đòn nồng nhiệt của hàng ngàn người TP Đà Nẵng và hàng trăm hãng truyền thông trong nước, quốc tế.
Phát biểu tại lễ đón, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho hay: “Chúng tôi rất tự hào, vinh dự và háo hức được chào đón các bạn đến TP biển năng động của Việt Nam. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều hoạt động phụ trợ cũng như các vấn đề hậu cần một cách chu đáo để giúp các thủy thủ đoàn có khoảng thời gian thoải mái và hiểu hơn về văn hóa, con người Đà Nẵng, Việt Nam. Với những gì các bạn trải nghiệm và cảm nhận tại Đà Nẵng. Tôi hy vọng các bạn sẽ là những đại sứ, kết nối, giới thiệu Đà Nẵng đến với bạn bè thế giới”.
Cuộc đua khắc nghiệt nhất hành tinh
Tuy nhiên, rất ít người hiểu biết về cuộc đua mạo hiểm, vượt các đại dương trên thế giới này. Theo ban tổ chức, cuộc đua Clipper là một trong những thách thức sức chịu đựng và khó khăn nhất hành tinh. Mất 11 tháng để hoàn thành và là cuộc đua trên biển dài nhất thế giới.
Các đội đua vượt đại dương khắc nghiệt
Cuộc đua thu hút hơn 700 thủy thủ không chuyên đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia. Đây là hành trình đua thuyền buồm kỷ lục với hải trình chinh phục hơn 40.000 hải lý (khoảng 75.000 km), kéo dài gần một năm trên biển.
Nhiều người chưa biết rằng những người tham gia cuộc đua này gần như phải vận động liên tục trong suốt một năm trên biển và thay nhau ngủ dưới đáy thuyền buồm. Những người được vinh dự tham gia cuộc đua phải qua các đợt kiểm tra thể lực, kỹ năng... hết sức ngặt nghèo. Họ phải đối diện với bão tố, hiểm nguy trên biển có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trước khi cuộc đua xuất phát họ được huấn luyện hơn một tháng tại Anh để đảm bảo rằng sẽ vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất trên biển cả.
Lần đầu tiên có đại diện người Việt Nam tham dự cuộc đua và có đội đua mang tên Đà Nẵng-Việt Nam.
Cuộc đua cũng là loại hình duy nhất giúp huấn luyện thủy thủ không chuyên đua vòng quanh thế giới. Theo đó, 40% thủy thủ đoàn tham gia cuộc đua chưa có kinh nghiệm đi thuyền khi đăng ký và thủy thủ đoàn tham gia riêng chặng đến Đà Nẵng đại diện cho hơn 20 quốc tịch. Những người tham gia là những người thích du lịch mạo hiểm và họ phải bỏ chi phí để được tham gia cuộc đua.
Điều đặc biệt, lần đầu tiên cuộc đua khắc nghiệt nhất hành tinh này có một người Việt Nam tham dự. Đó là anh Nguyễn Trần Minh An (TP Đà Nẵng). Anh An tham gia chặng đua thứ bảy từ Airlie Beach (Úc) về Đà Nẵng dài hơn 4.100 hải lý, lênh đênh một tháng trên biển. Ngoài ra, khi về tới Đà Nẵng, các thủy thủ và đoàn đua đã đi qua các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
Huyền thoại sáng lập cuộc đua
Huyền thoại sáng lập cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới này không ai khác chính là Robin Knox-Johnston.
Tay đua thuyền kỳ cựu 76 tuổi Robin Knox-Johnston là người đầu tiên đi thuyền một mình không ngừng vòng quanh thế giới trong những năm 1968-1969, được cộng đồng đua thuyền và thể thao quốc tế công nhận và kính trọng.
Ngày 17-2, các thuyền đua chính thức cập cảng đến với Đà Nẵng trong sự chào đón của hàng ngàn người dân TP.
Với thành tích này, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã phong ông tước hiệu CBE (Commander of the Order of the British Empire - Sĩ quan Đế chế Anh). Năm 1995, Nữ hoàng nâng tước hiệu của ông thành KBE (Knight Commander of the British Empire - Hiệp sĩ Đế chế Anh), do đó được chính thức gọi là Ngài Robin Knox-Johnston.
Sự nghiệp thuyền buồm nổi trội của Robin Knox-Johnston đã dẫn đến nhiều danh hiệu cao quý, bao gồm danh hiệu Hall of Fame của Liên đoàn Thuyền buồm Quốc tế ISAF. Ông cũng bốn lần được Hiệp hội Du thuyền Hoàng gia (Royal Yachting Association) tặng danh hiệu Thủy thủ của Năm. Ngài Robin còn đạt kỷ lục đua vòng quanh thế giới nhanh nhất cùng Ngài Peter Blake vào năm 1994 và được trao cúp Trophee Jules Verne.
Được biết Robin Knox-Johnston thành lập Cuộc đua Clipper với mong muốn mọi người có cơ hội đua vòng quanh thế giới vì có ít người đạt được điều này so với số người đã leo đỉnh Everest. Vì vậy, cuộc đua đầu tiên tổ chức vào năm 1996.
Năm 2007 ông hoàn thành hành trình vòng quanh thế giới một mình lần thứ hai trong cuộc đua VELUX 5 OCEANS Race. Ngài Robin tham gia cuộc đua Rolex Sydney Hobart Yacht Race năm 2013 và 2015. Năm 2014 ông về đích thứ ba tại cuộc đua xuyên Thái Bình Dương Route du Rhum ở độ tuổi 75.
Phiên bản mới nhất của Cuộc đua Clipper là lần thứ 10 và có sự tham gia của một đội đua đại diện cho Đà Nẵng, Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm của cuộc đua. Đây cũng là lần đầu tiên TP Đà Nẵng đăng cai là điểm dừng chân Đông Nam Á.
Khi đặt chân tới Đà Nẵng, Robin Knox-Johnston nói rằng: “Đua thuyền xóa đi giới hạn về ngôn ngữ, lãnh thổ và văn hóa. Nó chính là câu chuyện về ý chí của con người đối chọi với thiên nhiên. Nó giống như vở nhạc kịch lấy biển khơi làm sân khấu, nơi thủy thủ đoàn phải vận dụng kỹ năng, chiến thuật và bí quyết quý giá để khéo léo hơn và vượt các đối thủ của mình”.
Tối 22-2 lễ trao giải cho chặng đua vượt đại dương đến TP Đà Nẵng chính thức diễn ra.
Danh sách các thành tích đưa Robin Knox-Johnston trở thành thủy thủ nổi tiếng nhất thế giới như: tước hiệu CBE; thủy thủ của Năm (UK Yachtsman of the Year); huân chương Thủy nghiệp Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Anh; vô địch thế giới hạng mục thuyền đa thân 60 foot; cúp Thủy nghiệp Silk Cut Nautical Award Seamanship Trophy; TS Danh sự - Học viện Hàng hải Maine; cúp Thử thách Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia; huân chương danh dự Tạp chí Du thuyền Thế giới (Mỹ); nhận danh hiệu Freeman của TP London; danh dự về Công nghệ - ĐH Southampton; thủy thủ của năm (lần thứ 2); viện sĩ Danh dự, Viện Hàng hải (Bồ Đào Nha); giải thưởng Thành tích Xuất sắc, Viện Dẫn đường (Mỹ); hiệp sĩ Đế chế Anh; được bổ nhiệm làm Thuyền trưởng Danh dự, Lực lượng Dự bị Hải quân Hoàng gia Anh… |