Sau kỳ điều chỉnh giá ngày 11-2-2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng lên mức cao nhất trong vòng tám năm. Diễn biến này hoàn toàn phù hợp với đà tăng của giá dầu thô trên các sở giao dịch hàng hóa quốc tế.
Kịch bản giá dầu thế giới tăng cao đã nằm trong dự báo của rất nhiều tổ chức từ giữa năm 2021. Tại Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu hay sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam đã liên tục đưa ra nhận định giá dầu sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Bức tranh cung - cầu của thị trường năng lượng nói chung, dầu thô nói riêng đã khá rõ ràng và việc giá tăng không phải là điều quá bất ngờ đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất lúng túng khi giá dầu thế giới tăng cao, dẫn đến dấu hiệu găm hàng, hết hàng?
Dường như mỗi đợt giá xăng dầu tăng đột biến, thị trường trong nước lại có vấn đề. Hiện tượng này lặp đi lặp lại bao năm nay mà chưa có giải pháp triệt để. Thực tế, việc cơ quan quản lý không điều chỉnh giá xăng dầu khi đến thời điểm điều chỉnh giá trong dịp tết là không sai, đúng theo Nghị định 95/2021. Bởi nghị định nêu rõ nếu kỳ điều hành trùng vào dịp tết Nguyên đán, cơ quan quản lý được phép lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Tuy nhiên, nghị định cũng cho phép nhà điều hành xin ý kiến Chính phủ khi giá xăng dầu thế giới biến động lớn. Với việc lùi thời gian điều hành vào thời điểm sau tết đã dẫn đến giá trong nước không bám kịp với giá thế giới. Phương án điều hành như vậy quá cứng nhắc, thậm chí có thể nói thiếu nhạy bén, trong bối cảnh giá liên tục tăng và về mặt tâm lý, doanh nghiệp không dễ gì bán hàng giá rẻ khi đang phải chịu lỗ rất lớn.
Chính cách điều hành không bám sát giá thế giới, thiếu linh hoạt đã khiến doanh nghiệp phản ứng. Do đó, với vai trò điều tiết thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần có những quyết sách nhanh, linh hoạt hơn. Đồng thời có chế tài xử phạt hành vi găm hàng, đầu cơ đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chủ động nguồn hàng, sử dụng các công cụ bảo hiểm giá. Việt Nam đã có sở giao dịch hàng hóa với đầy đủ các công cụ. Do đó, các doanh nghiệp nên chủ động dùng bảo hiểm giá để ứng phó với những biến động khó lường trong thời gian tới. Bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp quốc tế. Chúng ta cần học hỏi những công cụ mà thế giới đã áp dụng thành công hàng chục năm qua. Cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp xăng dầu sẽ tránh được những cú sốc về giá và nên đưa chi phí này vào kết cấu hình thành giá cơ sở.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đã sử dụng bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn ở vùng giá 65-70 USD/thùng. Nghĩa là dù giá dầu tăng đến 100 USD hay thậm chí 150 USD/thùng, giá đầu vào của các doanh nghiệp này sẽ vẫn ở mức 65-70 USD/thùng, theo giá khớp trên sở giao dịch. Với mức giá hiện nay, các doanh nghiệp này đã tiết kiệm được 40%-50% chi phí giá vốn so với việc không thực hiện bảo hiểm giá. Điều này khiến doanh nghiệp duy trì được mức lợi nhuận, bất kể việc giá dầu lên hay xuống.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế sự thiếu đồng bộ về chính sách của các nhà quản lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa triển khai các công cụ bảo hiểm giá. Doanh nghiệp không có bảo hiểm giá là một sự lãng phí. Bảo hiểm giá vừa tốn ít chi phí, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ động được giá đầu vào, giúp thị trường xăng dầu trong nước vận hành một cách ổn định và hiệu quả.