Mới đây, vụ việc cháu NNTC (ba tháng tuổi, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bị người tình của mẹ là Trần Hoài Thương bạo hành dã man dẫn đến tình trạng nguy kịch khiến dư luận phẫn nộ. Thời điểm Thương hành hạ cháu C thì Nguyễn Phúc Hồng Ân, mẹ ruột cháu C, cũng có mặt chứng kiến nhưng không can ngăn.
Qua kiểm tra, Thương và Ân cùng sử dụng ma túy đá. Hiện Công an TP Đà Lạt đã bắt giam Thương để điều tra.
Trước đó, cũng có một số vụ bạo hành xảy ra với các trẻ nhỏ mà đối tượng bạo hành không ai khác là cha dượng, mẹ kế, người tình của cha hoặc mẹ. Các đối tượng này đa số có sử dụng ma túy.
Từ đó cho thấy trách nhiệm của cha, mẹ và xã hội đối với việc bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành là thật sự cần thiết. Một số bạn đọc cho rằng nên có những giải pháp thiết thực, cụ thể để bảo vệ trẻ em, không để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc như vừa qua.
Hệ lụy đau đớn khi trẻ bị bạo hành
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý - ThS Võ Minh Thành cho biết những tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em có thể tuổi thơ từng chứng kiến hoặc trải nghiệm hành vi bạo lực, xâm hại. Từ đó có suy nghĩ và niềm tin rằng bạo lực có thể giải quyết mâu thuẫn, xung đột.
Tuy nhiên, không phải ai từng bị bạo lực cũng gây ra bạo lực. Bạo hành và xâm hại trẻ em chủ yếu từ nhận thức sai lầm về pháp luật, chưa được giáo dục về quyền của trẻ em. Bên cạnh đó, người liên quan trực tiếp sau hung thủ là cha hoặc mẹ của trẻ, họ đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, an toàn của con mình.
Đặc điểm chung trong tâm lý của thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý, coi thường đạo đức và pháp luật...
“Trẻ lớn lên trong bạo lực tinh thần luôn tích tụ điều tiêu cực, dễ biến dạng nhân cách, nhận thức. Tâm lý dễ bị đàn áp, không dám phản kháng, dễ rơi vào những tệ nạn xã hội. Hoặc sẽ mắc các vấn đề tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, các bệnh thần kinh khác. Xuất hiện các hành vi bốc đồng, tấn công kẻ đã bạo lực với mình...” - ThS Võ Minh Thành phân tích.
Vết thương trên cơ thể của những trẻ bị bạo hành. Ảnh: PV |
Cũng theo ThS Võ Minh Thành, khi trẻ bị bạo hành, những dấu hiệu bên ngoài sẽ xuất hiện như thương tổn trên cơ thể, thay đổi tiêu cực trong học tập, ít nói, ít tiếp xúc với mọi người, luôn bất an, lo lắng…
Nếu phát hiện trẻ bị bạo hành, người dân phải nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Cần xoa dịu tâm trí, đưa trẻ đến các trung tâm trị liệu để phục hồi tâm lý, tránh hệ lụy về lâu dài.
“Vết sẹo trên cơ thể có thể mờ nhưng nỗi đau tâm hồn thì còn mãi. Rất nhiều trẻ bị bạo hành đã gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội, khó hòa nhập, sợ người, ảnh hưởng đến cả quá trình hình thành và phát triển trong tương lai” - ThS Võ Minh Thành nói.
Mọi cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) TP.HCM, cũng cho biết mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan có trách nhiệm thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho nơi tiếp nhận thông tin khi phát hiện hoặc có thông tin trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Sau khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin việc trẻ bị bạo hành, tùy vào mức độ tổn hại của trẻ mà cơ quan tiếp nhận sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt. Người tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
Ông Nghinh cho hay vai trò chính trong quản lý nhà nước và bảo vệ trẻ em, nhất là các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em đó là công an và chính quyền địa phương tại cơ sở (bao gồm cả nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú).
Hội BVQTE sẽ có vai trò đồng hành và hỗ trợ qua các hình thức như cử luật sư, luật gia thuộc Hội BVQTE TP tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ (trong suốt quá trình diễn biến vụ việc và hoàn toàn miễn phí).
Hội cũng có ý kiến, kiến nghị, đề xuất với các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai các hoạt động can thiệp và bảo vệ cho các em trong trường hợp khẩn cấp, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Đối với một số trường hợp, Hội BVQTE sẽ cử các nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội hỗ trợ địa phương trong các hoạt động tư vấn, đồng hành với trẻ và gia đình.
“Ngoài ra, hội sẽ thực hiện các hoạt động vận động, kết nối nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước (bao gồm cả nguồn lực chuyên gia và cơ sở vật chất, trang thiết bị) để hỗ trợ kịp thời cho trẻ và gia đình trong khả năng của hội” - ông Nghinh chia sẻ.
Nơi tiếp nhận thông tin trẻ bị bạo hành tại TP.HCM
Khi phát hiện trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục..., các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thông báo ngay cho một trong các nơi tiếp nhận thông tin sau:
- UBND xã, phường nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú.
- Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc.
- Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp.
- Các đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh 113; số điện thoại đường dây tư vấn can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp của Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP 1900545559; số điện thoại đường dây tư vấn của Hội BVQTE TP.HCM 18009069...
Ông PHẠM ĐÌNH NGHINH,
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM