Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn khoảng 10.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng nhiều xe rác từ một số tỉnh giáp ranh chạy sang TP.HCM đổ chui vào các trạm trung chuyển. Những xe rác này không chỉ đổ chui ở các trạm trung chuyển mà còn đổ ở những nơi bãi đất trống, khu vắng người.
Nhiều xe đổ rác trộm
Theo ông Trần Duy Long, Phó Trưởng phòng TN&MT TP Thủ Đức, hiện TP Thủ Đức có tám trạm trung chuyển rác với thiết kế khoảng 725 tấn/ngày nhưng thực tế hiện đang gom khoảng 1.200-1.400 tấn/ngày.
Ông Long cho biết có nhiều xe rác từ các địa bàn khác chuyển rác về đổ tại các trạm trung chuyển trên địa bàn TP Thủ Đức. Với những trường hợp địa phương phát hiện đã có nhắc nhở và giao cho đơn vị vận hành của các trạm trung chuyển xử lý.
Các cơ quan chức năng dán logo nhận diện xe ra vào các trạm trung chuyển rác để tránh xe rác “lậu” từ các tỉnh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Theo anh Huỳnh Văn Khanh (tài xế vận chuyển rác tại TP Thủ Đức) chia sẻ: Đã xảy ra nhiều trường hợp các xe rác ở các tỉnh khác chở rác đến các trạm ở TP.HCM để đổ. Cũng có trường hợp tài xế ở địa bàn khác không đổ ở trạm trung chuyển mà chọn những bãi đất trống hoặc những khu vắng người để đổ.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, qua công tác kiểm tra, giám sát phát hiện có trường hợp thu gom, vận chuyển rác từ tỉnh giáp ranh về các điểm tập kết, trạm trung chuyển trên địa bàn các quận, huyện giáp ranh và nhà máy xử lý. Các trường hợp vi phạm này đã được Sở TN&MT kết hợp với cảnh sát môi trường xử lý và thông báo đến UBND các quận, huyện để xử lý theo thẩm quyền.
Tăng cường kiểm tra
Nhằm quản lý có hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn TP, trọng điểm là kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải từ tỉnh khác về TP, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo về tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác về TP.
Theo đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan và UBND phường, xã, thị trấn thực hiện rà soát, thương thảo, điều chỉnh, bổ sung nội dung các hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đang thực hiện. Trên cơ sở đó, đưa vào điều kiện để thương thảo hợp đồng đối với các nhà thầu mới khi triển khai thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hợp đồng.
Cạnh đó, các địa phương chịu trách nhiệm về công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được biết để chấp hành theo chủ trương chung của TP. Song song, tổ chức kiểm tra, giám sát các xe thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
TP.HCM yêu cầu xác định trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tái vi phạm nhiều lần việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển trên địa bàn quản lý khi chưa có chủ trương chấp thuận của UBND TP. Cạnh đó, xác định đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện xử lý vi phạm và chỉ đạo tổ chức quản lý tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Sở TN&MT TP.HCM, Công an TP.HCM được giao tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất trên địa bàn TP, trọng điểm tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành khác (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh…) để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
TP giao Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP có kế hoạch giám sát định kỳ, đột xuất trên địa bàn TP để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời phối hợp với các đơn vị xử lý yêu cầu đơn vị thu gom, vận chuyển có hành vi vi phạm.
Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không được tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác khi chưa có sự chấp thuận chủ trương của UBND TP.•
Công tác thu gom chất thải đã được xã hội hóa 100%
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: Hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM đã được xã hội hóa 100%. Tỉ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn TP chiếm tỉ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong giai đoạn 2016-2021, TP đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn khoảng 10.000 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày.
TP có bốn dự án chuyển đổi công nghệ xử lý sang đốt phát điện đang triển khai. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể đã chủ động phối hợp trong việc tuyên truyền người dân trên địa bàn TP về giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, vận động, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế túi nylon khó phân hủy.