Liên quan đến việc thành lập đội bắt chó chạy rông, TP Hà Nội mới đây đã ký ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022-2030. Theo đó, Hà Nội sẽ thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã.
Tại TP.HCM, trước đây Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM có đội bắt chó chạy rông. Tuy nhiên, từ năm 2018, thực hiện Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT, việc bắt chó chạy rông thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã, thị trấn.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên hầu như tất cả phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM không thể thành lập đội bắt chó chạy rông. Dù không thành lập đội bắt chó chạy rông nhưng hầu hết địa phương vẫn đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng chó thả rông ngoài đường, ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Một người dân TP.HCM dẫn chó đi dạo nơi công cộng mà không rọ mõm cho chó. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Ông NGÔ XUÂN BÌNH, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp:
Người dân ghi hình lại để khu phố nhắc nhở
Tình trạng chó thả rông ngoài đường, phường cũng có nhận được nhiều phản ánh của người dân. Thông thường người dân khi phát hiện chó thả rông thì sẽ ghi hình lại và báo khu phố, cảnh sát khu vực.
Sau đó, khu phố sẽ tổ chức họp, phê bình, nhắc nhở. Nếu người nuôi chó cố tình tái phạm thì khu phố báo lên phường, phường sẽ lập biên bản làm việc, thu thập chứng cứ xử phạt vi phạm hành chính với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó.
Tuy nhiên, trên thực tế với những trường hợp để chó thả rông thì khi lên làm việc với phường, chủ nuôi đều chấp hành.
Đối với trường hợp chó, mèo thả rông mà không xác định chủ nuôi thì phường sẽ phối hợp với đội thú y liên ngành bắt và xử lý theo quy trình.
Ông PHAN CƯỜNG, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12:
Đưa vào quy ước cộng đồng để nhắc nhở nhau
Có nhiều lý do địa phương không thể thành lập đội bắt chó thả rông. Lý do quan trọng nhất là địa phương không có trang thiết bị như chuồng, dụng cụ bắt giữ, nơi nuôi nhốt...
Hiện nay, địa phương xử lý tình trạng chó thả rông chủ yếu nhắc nhở là chính.
Phường phát huy quy chế tính cộng đồng tại khu dân cư. Ngoài ra, đối với những trường hợp không chấp hành thì sẽ xử phạt chủ nuôi với hành vi để chó phóng uế, không đeo rọ mõm chó nơi công cộng. Tuy nhiên, việc xử phạt cũng khó thực hiện bởi hiện nay lực lượng phường vẫn không đủ nên không thể xử lý hết được.
Hiện nay, việc xử lý tình trạng để chó thả rông phường giao về cho các khu phố, các khu phố sẽ đưa ra quy ước trong cộng đồng dân cư.
Theo đó, khu phố sẽ đưa ra những quy định như không để chó thả rông, không hát karaoke gây ồn… Nếu ai vi phạm sẽ bị nêu trước khu phố hay một số hình thức khác mà mọi người trong khu phố tự quy ước với nhau.
Thế nhưng, với những quy ước như thế này thì chủ yếu chỉ mang tính chất vận động, tự giác chứ không thể áp dụng hình thức chế tài.
Ông VÕ CHIẾN THẮNG, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh:
Đưa vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa
Tại các tổ, ấp hiện nay có xây dựng ấp văn hóa, tổ văn hóa và đã đưa ra một số tiêu chí để bình xét. Tổ bình xét đã đưa ra tiêu chí như gia đình, người dân trong tổ, ấp không xảy ra tình trạng chó thả rông, không gây ô nhiễm môi trường, không xảy ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn…
Theo đó, hộ nào vi phạm để thả chó chạy rông, sẽ không được bình xét gia đình văn hóa và trong ấp có nhiều hộ vi phạm cũng sẽ không đạt là ấp, tổ văn hóa…
Việc đưa ra tiêu chí này cũng là cách để vận động người dân ý thức hơn với việc thả rông chó ngoài đường.
Hộ nào vi phạm để thả chó chạy rông sẽ không được bình xét gia đình văn hóa và trong ấp có nhiều hộ vi phạm cũng sẽ không đạt là ấp, tổ văn hóa.
Một lãnh đạo UBND quận 1:
Phường kết hợp với cơ quan thú y để xử lý
Trước đây, quận 1 có thành lập đội bắt chó chạy rông trên địa bàn. Việc thành lập đội này rất có hiệu quả và tình hình chó thả rông trên địa bàn có những chuyển biến tốt. Sau đó, quận đã giao nhiệm vụ này cho phường để tiếp tục theo dõi, xử lý.
Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên tình trạng để chó thả rông ngoài đường trên địa bàn quận cũng ít.
Hiện nay, những hoạt động kinh tế đang từng bước phục hồi cũng có thể xảy ra tình trạng chó thả rông ngoài đường. Nếu có tình trạng này, địa phương sẽ tiếp tục xử lý nhanh, đúng quy trình.
Quận 1 là một quận trung tâm TP, đa phần người dân chủ yếu nuôi chó kiểng, chó đắt tiền nên họ rất quý và việc thả rông ngoài đường thì rất hiếm.•
Phạt tiền 1-2 triệu đồng nếu không đeo rọ mõm cho chó nơi công cộng
Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.