Bóng đá cao thượng tuổi lên 10 đã trao giải cho rất nhiều thành phần ưu tú, từ giới cầu thủ nội, ngoại cho đến HLV, lãnh đội, trọng tài, cổ động viên, chị lao công… Có những hành động đẹp không chỉ diễn ra một cách tự nhiên, giàu cảm xúc trên sân bóng và cũng có nhiều nghĩa cử lặng lẽ nói thay cho tình thương yêu giữa người với người.
Cầu thủ sống sao thì trên sân cỏ cũng vậy
Cựu trọng tài FIFA Lương Thế Tài tâm đắc với hành động của cầu thủ Hoàng Đình Tùng của Thanh Hóa vào sân can ngăn đồng nghiệp CLB TP.HCM nóng nảy đòi ăn thua đủ với trọng tài và không ngần ngại chọn số một cho hình ảnh đẹp ấy.
Ông Tài tâm sự: “Suốt cả sự nghiệp làm nghề cầm cân nảy mực trên sân bóng, tôi luôn thấu hiểu và chia sẻ với nỗi nhọc nhằn của giới trọng tài. Ai cũng nói trọng tài là cha là mẹ với cái quyền tự quyết cao nhất trong trận đấu nhưng thực sự cuộc chơi không phải lúc nào cũng toàn một màu hồng như ta nghĩ. Sống lâu trong làng tôi biết trọng tài Việt Nam (VN) khác với thế giới chỉ là nghề tay trái, khiến họ gánh chịu rất nhiều áp lực trước mỗi tình huống bị cho là nhạy cảm.
Vì thế, tôi từng xem đi xem lại tình huống Hoàng Đình Tùng trong bối cảnh nhạy cảm và rắc rối về cuối một trận đấu căng thẳng, khi các cầu thủ ức chế trọng tài rất dễ dẫn đến hành vi cay cú bột phát không kiềm chế nổi mình. Tôi thích thú và cảm phục với hành động Đình Tùng đã rất dũng cảm chạy vào can ngăn cả hai bên bằng một cái đầu tỉnh táo và mạnh mẽ, quyết không để cái xấu lây lan trên sân cỏ. Tôi để ý giới cầu thủ có cuộc sống nhân văn ra sao thì cách họ chơi bóng và ứng xử trên sân cỏ cũng thế”.
Trong khi đó, nhà báo Ngọc Uyên (truyền hình VTC) thì chọn hành động sơ cứu cầu thủ Indonesia của trợ lý HLV Vũ Hồng Việt trước khi đội ngũ y tế đội bạn vào sân cho giải thưởng Fair Play 2021. Ngay cả khán giả trên sân cỏ khi ấy cũng rất ngạc nhiên và thêm cảm mến hành động của trợ lý ông Park giúp đỡ cầu thủ đối phương. Cần biết là chỉ mới ở những pha bóng trước đó, các cầu thủ Indonesia đá rất rát, rất đau, thậm chí dùng tiểu xảo nhiều với đồng nghiệp VN. Thế nhưng HLV Vũ Hồng Việt lại hết mình cứu chữa, sợ họ đau.
Nhà báo Ngọc Uyên sau cuộc trò chuyện với ông Việt kể lại: “Tôi hiểu ra thêm tính cách của Vũ Hồng Việt khi biết trong cuộc sống anh ấy rất thường giúp đỡ người khác. Từ thời cầu thủ đến nghiệp huấn luyện, anh Việt luôn cho thấy một sự phản chiếu đẹp từ lối chơi cống hiến và đặc biệt fair play cả trong lẫn ngoài sân bóng. Việc sơ cứu cầu thủ Indonesia khi bị chấn thương nằm sân cũng là điều hết sức bình thường, như một phản xạ tự nhiên của anh ấy”.
Năm hình ảnh tiêu biểu cho một năm bóng đá Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lại có rất nhiều hình ảnh đẹp. Ảnh: CTV
Lòng trắc ẩn của giới quần đùi, áo số
Trong mùa dịch COVID-19, tuyển thủ Trọng Hoàng đã không ngần ngại chọn trong bộ sưu tập huy chương của mình một chiếc thật quý giá để bán đấu giá mua máy thở giúp tuyến đầu TP.HCM chống dịch. Đó chính là chiếc huy chương vàng SEA Games 30. Cũng cần biết đây là chiếc huy chương rất có ý nghĩa của tuyển thủ người Nghệ An khi cùng đàn em đăng quang Đông Nam Á hồi cuối năm 2019.
Nhà báo Xuân Cường (HTV) chia sẻ: “Trọng Hoàng có hàng động quá đẹp. Ai cũng biết chiếc huy chương vàng SEA Games đối với bản thân cầu thủ xứ Nghệ rất quý giá, vì phải hơn 60 năm sau làng bóng VN mới có. Tuyển thủ này cũng không còn có dịp chơi SEA Games để tìm thêm chiếc huy chương nào nữa. Quan trọng nhất là cái cách chia sẻ của Trọng Hoàng bằng cả tấm chân tình với TP.HCM trong cơn đại dịch có tính tiêu biểu trong giới cầu thủ”.
Không chỉ bán đấu giá huy chương, Trọng Hoàng còn rao bán chiếc áo thi đấu ở UAE tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 hồi đầu tháng 6-2021 để làm từ thiện. Cựu tuyển thủ Nguyễn Hồng Phẩm cũng dành một lá phiếu cho Trọng Hoàng: “Tấm lòng của Trọng Hoàng thật đáng quý. Trên sân cỏ, cầu thủ Nghệ An luôn chơi lăn xả hết mình vì đồng đội và cho thành công chung của các đội tuyển quốc gia. Trong cuộc sống, Trọng Hoàng còn có những nghĩa cử rất đẹp, biết nghĩ và hành động nhân ái cho người khác”.
Cũng trong mùa dịch, tiền vệ Trần Minh Vương biết tin đồng nghiệp nữ trẻ trung Trần Thị Hạnh của đội Phong Phú Hà Nam mắc bệnh, phải ngậm ngùi chia tay nghiệp quần đùi, áo số của mình do không thể vận động mạnh. Cầu thủ của HA Gia Lai rất xúc động với gia cảnh khó khăn của Hạnh đã gửi tặng Hạnh một ít tiền và viết một lá thư tay giàu tình cảm, động viên Hạnh nỗ lực vượt qua mọi trắc trở trong cuộc sống.
Nhà báo Trần Tuấn Anh (báo Thanh Niên) bày tỏ: “Cá nhân tôi quan sát cầu thủ nam của mình luôn có những ưu đãi hơn nữ nhưng không nhiều người thường chia sẻ thuận lợi của mình. Tôi đặc biệt quý mến Minh Vương không chỉ vì nghĩa cử đẹp này, mà trước đây anh cùng đội HA Gia Lai từng có nhiều câu chuyện đẹp về sự quan tâm đến nhiều số phận chưa thuận lợi trong cuộc sống và đây chỉ là một cách thắp lại tinh thần chia sẻ đó.
Tôi còn tưởng tượng hình ảnh Minh Vương cặm cụi ngồi nắn nót viết thư động viên cô đồng nghiệp nhỏ của mình vượt qua nghịch cảnh, dẫu họ chưa từng gặp nhau. Minh Vương không có nhu cầu gầy dựng sự nổi tiếng và không diễn, vì tôi biết nó xuất phát từ tấm lòng của anh ấy. Theo tôi, hành động nhỏ của Minh Vương mang một ý nghĩa lớn, hữu xạ tự nhiên hương và biết đâu đồng nghiệp của anh ấy cũng đã hoặc sẽ tiếp tục có những nghĩa cử đời thường thật đẹp như thế”.