Ngày 10-12, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM - Bộ Y tế tổ chức hội nghị phối hợp liên ngành công tác giám định pháp y tâm thần với sự tham gia của đại diện cơ quan điều tra, VKS, tòa án của nhiều tỉnh, thành.
Nhiều đại biểu nêu khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tâm thần (GĐTT), đặc biệt là việc tiến hành thủ tục tố tụng liên quan cần đến kết quả GĐTT của đối tượng.
Toàn cảnh hội nghị ngày 10-12. Ảnh: MV
Ông Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần TP.HCM) cho biết việc giám định là rất khó và giám định viên phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.
Ông Ngô Đình Thư (Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung) cho rằng quan trọng nhất là sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và trung tâm giám định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trong quá trình giám định nội trú, đơn vị có thể thu thập hồ sơ, bổ sung. Trên thực tế, có nhiều vụ việc bổ sung rất nhiều, khi xảy ra vấn đề kiện tụng lại liên quan đến việc giám định không đúng quy trình, đồng thời khó khăn khác là thiếu về cơ sở vật chất, con người.
Đại biểu tại hội nghị. Ảnh: MV
Đại diện Công an TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay nhiều vụ án CQĐT phải đặt ra những câu hỏi mà lại không có đủ chuyên môn để giải đáp. Việc tham khảo được ý kiến chuyên môn của trung tâm giám định cần nhanh chóng để tránh được việc phải giám định bổ sung, giải thích lại kết luận với VKS.
Đối với việc cung cấp tài liệu giám định, CQĐT cũng gặp vấn đề khi đối tượng giám định ở xa. Một số trường hợp phải ủy thác hoặc đơn vị phải cử người đến để xác minh. Thời gian năm ngày là rất khó khăn để thực hiện nhiều việc như xác minh lý lịch, lời khai…
Cạnh đó, trường hợp “ngáo đá” được hiểu là người nghiện thì cơ quan sẽ đưa về trung tâm cai nghiện để cắt cơn. Những người này thực hiện hành vi chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự, chưa thể áp dụng biện pháp, tạm giam, tạm giữ.
Khó khăn ở đây là trả về cho người thân thì người thân không nhận, giao chính quyền địa phương thì chính quyền không giữ mà thả ra ngoài thì sợ gây án. Đồng thời với những trường hợp này những cơ sở y tế cần có biện pháp để cắt cơn, sau đó thực hiện tiếp các thủ tục quản lý.
Ông Quang cho rằng việc quản lý người bệnh có vấn đề về tâm thần đòi hỏi phải có sự phối hợp của các ban, ngành. Việc xác minh địa chỉ của người nghiện là vô cùng khó vì nhiều trường hợp không có chỗ ở cố định. Việc quản lý người nghiện là rất khó khăn. Sau giám định, trung tâm sẽ trả về cho cơ quan công an, VKS...