Giám định tư pháp còn nhiều vấn đề bất cập

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng chế độ bồi dưỡng đối với các giám định viên hiện đang bất cập và không còn phù hợp và kiến nghị xem xét sửa đổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-11, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức toạ đàm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Giám định tư pháp với sự tham gia của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan tư pháp của nhiều địa phương.

Theo đó, một trong những nội dung được nhiều đơn vị đóng góp, chia sẻ là về vấn đề quyết toán kinh phí giám định, tiền bồi dưỡng cho giám định viên và trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự.

Theo đại diện Công an TP Cần Thơ, hằng năm nhu cầu giám định trong ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự tại địa phương có chiều hướng giảm nhưng tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Daon-van-huong-cuc-bo-tro-tu-phap.jpeg
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Đoàn Văn Hường chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Về trưng cầu giám định pháp y tâm thần các đối tượng để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự thì trên thực tế, trong quá trình giám định các đối tượng có các bệnh lý khác phải nhập viện cấp cứu, điều trị, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình đối tượng khó khăn không thể chi trả chi phí điều trị nên một số gia đình có xu hướng bỏ mặc đối tượng. Cơ quan điều tra cũng không có nguồn kinh phí để thanh toán chi phí cho các đối tượng này. Đồng thời, trung tâm pháp y tâm thần lại không thể tiến hành giám định tại nhà do trái quy định của Bộ Y tế.

Đại diện Công an TP Cần Thơ cũng dẫn chứng một số vụ tai nạn giao thông, nạn nhân tử vong tại hiện trường gia đình nạn nhân cương quyết không cho giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân tử vong gây khó khăn trong việc xác định nguyên nhân tử vong.

Về phía tỉnh Lâm Đồng, đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này cũng cho biết việc thi hành Luật Giám định tư pháp đang gặp phải một số bất cập. Ví dụ như theo quy định thì giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh chỉ được giám định pháp y tử thi (không được giám định trên cơ thể còn sống) điều này dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực rất lớn.

Cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra, xác minh ban đầu (công an xã, CSGT...) nhưng lại chưa cho phép các cơ quan này được tiến hành trưng cầu giám định, yêu cầu định giá dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện.

IMG_0754.jpeg
Đại diện công an nhiều tỉnh thành chia sẻ về những khó khăn về trưng cầu giám định trong các vụ án hình sự. Ảnh: HỮU ĐĂNG

"Đối với nguồn kinh phí để chi trả kinh phí giám định, hiện nay, nguồn kinh phí giám định được Bộ Công an phân bổ trên cơ sở dự toán, đề xuất từ đầu năm. Tuy nhiên, việc dự toán đề xuất kinh phí này phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như các vụ án cần giám định thường xảy ra đột xuất nên rất khó để dự toán. Từ đó dẫn đến việc lập hồ sơ xin kinh phí bổ sung mất nhiều thời gian"- đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin.

Ngoài ra, nhiều đại biểu tham dự buổi toạ đàm cũng bày tỏ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp hiện nay được quy định tại Quyết định số 01/2014 của Thủ tướng Chính phủ hiện đang bất cập và không còn phù hợp (150.000 đồng/người/ngày công 8 tiếng). Bởi vì, nhiều trường hợp giám định viên làm việc ngày đêm để giám định như giám định âm thanh, giám định trong các vụ án ma tuý... để hoàn tất kết luận giám định.

Nếu tính theo mức ngày công như hiện nay thì còn thấp và chưa hợp lý (số lượng vụ việc trưng cầu giám định nhiều hơn rất nhiều và tỉ lệ trượt giá đã cũng có thay đổi so với thời điểm ban hành Quyết định 01). Từ đó các đại biểu đề xuất sửa đổi chế độ bồi dưỡng, thù lao đối với các giám định viên và tính chế độ bồi dưỡng căn cứ theo mẫu vật, vụ việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm