Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 7-11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đã thông tin với báo chí về vụ việc bà giết cháu ruột xảy ra ở Yên Thành (Nghệ An)…
Theo ông Cầu, qua lời khai ban đầu thì nguyên nhân chính khiến bà Nguyễn Thị Hường (66 tuổi, trú xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) giết cháu nội Nguyễn Thị T. (11 tuổi, học sinh lớp 6) là do mâu thuẫn gia đình.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An
Tại cơ quan điều tra, bà Hường khai do điều kiện kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng con trai bà Hường đi làm ăn trong miền Nam, gửi cháu T. cho bà nuôi. Gần đây, con trai của bà (bố cháu T.) về ở chung thì xảy ra nhiều mâu thuẫn. Thời gian này người cháu cũng không được ngoan.
Hôm xảy ra vụ việc (ngày 3-11), bà Hường trong lúc chuẩn bị ra Hà Nội giúp việc thì gặp cháu T. nên hai bà cháu đi chung về. Trên đường, bà Hường nhắc đến chuyện bố con T. hỗn láo nên xảy ra to tiếng giữa hai bà cháu.
Lúc này, bà Hường bắt đầu nảy sinh ý định sát hại cháu nội nên nhờ cháu T. chở vào khu vực đập nước Bàu Ganh để tắm rồi bảo cháu cọ lưng cho. Lợi dụng cháu bất cẩn, bà Hường xô cháu xuống nước.
Trong lúc xô bà này cũng trượt chân theo nhưng ở gần bờ nên bám lên được còn T. chết đuối. 21 giờ cùng ngày 3-11, bà Hường bắt xe ra Hà Nội, một ngày sau thì quay về. Sau đó thì gia đình báo tin cháu T. mất tích.
“Công an huyện Yên Thành tổ chức điều tra, quá trình điều tra phát hiện giai đoạn cuối cùng hai bà cháu đi với nhau thì đặt ra nghi vấn và mời bà lên đấu tranh thì bà ấy nhận là như vậy. Hiện nay dư luận nói rằng bà theo một giáo phái, đúng là bà có theo nhưng nguyên nhân chính cho đến thời điểm hiện nay thì bà vẫn khai là như vậy” – ông Cầu thông tin.
Về thông tin bà Hường mua bảo hiểm cho cháu, vì thiếu tiền nên dựng hiện trường giả để sát hại cháu nhằm trục lợi bảo hiểm, ông Cầu cho hay: “Tình tiết này cũng chưa được điều tra. Quá trình điều tra kết luận về nguyên nhân, động cơ, mục đích gì thì phải có thời gian” – ông Cầu nói.
Ông Cầu cũng cho hay vụ án cũng là một hiện tượng cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, như nhiều lần các ĐBQH đã phản ánh trên diễn đàn Quốc hội. Ông cho rằng “bây giờ để tìm lại đạo đức như ngày xưa là cực kỳ khó” vì vậy cần phải có chiến lược để đào tạo từ thế hệ trẻ để chấn hưng đạo đức xã hội. Trong đó phải tập trung từ ba môi trường, gồm: gia đình, nơi giúp trẻ hình thành nhân cách; nhà trường và môi trường lớn hơn là xã hội.
“Phải làm cho các tiêu cực xã hội, những hành vi xấu của xã hội cần bị lên án và triệt tiêu dần. Đấy là nguyên lý từ xưa nay, cho nên xây dựng đạo đức xã hội lành mạnh là một trong những chiến lược mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội rất quan tâm” – ông Cầu nói.