Giảm gánh nặng bệnh tật khi được tiêm ngừa vaccine từ nhỏ

Tại chương trình “Vaccine cho cả nhà, gia đình yên tâm được bảo vệ” do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline (GSK) tại TP.HCM tổ chức, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết cứ mỗi phút trôi qua có sáu trẻ tử vong do viêm phổi hoặc tiêu chảy và gần 1,5 triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong do hai bệnh liên quan đến rota virus và phế cầu.

Trong khi đó, ở Việt Nam có tới 92% người chưa được phòng ngừa viêm phế cầu và rota virus do hai loại vaccine này còn khá đắt, chưa được xem là những mũi tiêm thường quy, ngăn ngừa bệnh cho các bé khi còn nhỏ nên chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo BS Khanh, “Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn khá nguy hiểm hiện nay, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới năm tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa và rất nặng là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Do đó việc phòng ngừa là rất quan trọng.

Biện pháp thụ động như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cơ thể chỉ là một phần. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa hữu hiệu vẫn là chủ động tiêm vaccine, tiêm ngừa vaccine phế cầu giúp bảo vệ trẻ từ sớm”.

Đồng tình với ý kiến này, ThS-Bs Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng - Viện Pasteur TP.HCM, chia sẻ: “Ngoại trừ nguồn nước sạch, không có biện pháp nào khác kể cả kháng sinh có thể mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tỉ lệ bệnh và tử vong như vaccine".

Vì vậy, việc tiêm ngừa vaccine là việc làm cấp thiết và quan trọng của người dân Việt Nam ngay từ khi còn bé.

Vi khuẩn viêm phế cầu là một trong những tác nhân chính gây tử vong hàng đầu ở trẻ em qua viêm phổi và HPV lại là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, căn bệnh nguy hiểm thứ hai đang đe dọa phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi.

Trước tình hình đó, liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) cho biết đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đưa vaccine phòng các loại bệnh như viêm não do mô cầu, viêm phổi, tiêu chảy và phòng virus HPV gây ung thư cổ tử cung trong những năm đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, nếu tất cả vaccine sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với độ phủ trên 90%, dự kiến hằng năm chúng ra sẽ bảo vệ sinh mạng được thêm hai đến ba triệu trẻ em do những căn bệnh truyền nhiễm hoàn toàn phòng tránh được. Điều này góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ của WHO là giảm 2/3 số trẻ em tử vong dưới năm tuổi vào năm 2015 so với năm 1990.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm