Giao con chung cho ai nuôi tốt nhất?

Theo quy định hiện hành, khi cả cha lẫn mẹ đều yêu cầu được quyền nuôi con chung và không thỏa thuận được, nếu cháu bé dưới ba tuổi thì tòa sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Nếu cháu bé từ chín tuổi trở lên thì tòa hỏi ý kiến cháu thích sống với ai để quyết định.

Đang ổn thì không nên xáo trộn

Trong trường hợp cháu bé từ ba tuổi đến dưới chín tuổi, hiện chưa có quy định cụ thể nhưng trong thực tiễn xét xử, các tòa thường xem xét ai có nhà cửa, công việc, thu nhập ổn định hơn, có điều kiện nuôi dưỡng cháu bé tốt hơn thì sẽ quyết định giao cháu cho người đó. Tuy nhiên, việc đánh giá các tiêu chí này không hề đơn giản, dễ dàng, đòi hỏi thẩm phán phải rất kỹ và tinh tế như vụ tranh chấp giữa ông BHS và bà TTĐ dưới đây.

Tháng 8-2012, ông S. và bà Đ. ra TAND một quận ở TP.HCM nộp đơn thuận tình ly hôn, thỏa thuận giao con gái chung sáu tuổi cho bà Đ. trực tiếp nuôi dưỡng, mỗi tháng ông S. cấp dưỡng 2 triệu đồng.

Một năm sau, ông S. nộp đơn ra tòa xin thay đổi quyền nuôi con. Theo ông, bà Đ. hiện đã có chồng mới, vừa sinh con, đang ở nhà thuê nên không có điều kiện chăm sóc con gái tốt bằng ông được. Bản thân ông sống với mẹ và em gái là những người đã chăm sóc cháu từ nhỏ, không bị nặng gánh thuê nhà, thu nhập ổn định (lái xe thuê, nhà có xe riêng). Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2014, tòa quận đã chấp nhận yêu cầu của ông S. vì cho rằng ông có điều kiện nuôi dưỡng con tốt hơn.

Bà Đ. kháng cáo. Đến ngày xử phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, dù tòa không yêu cầu, không triệu tập người chồng sau cùng con gái của bà Đ. nhưng bà vẫn dẫn họ đến tòa nhằm chứng minh rằng con gái muốn chung sống với mẹ hơn.

Tại phiên xử, bà Đ. khẳng định: “Thưa tòa, dù tôi đã có chồng mới, có thêm một đứa con với chồng mới nhưng tôi vẫn chăm sóc tốt cho con gái. Việc vợ chồng tôi đang ở nhà thuê là có thật nhưng chúng tôi hiện nay đều là giám đốc của hai công ty, về điều kiện kinh tế hoàn toàn không có khó khăn gì”. Trong khi đó, đứa bé gái chưa đầy bảy tuổi theo cha dượng bước vào phòng xử, trả lời với HĐXX rằng: “Con thích ở với mẹ. Cha dượng rất tốt với con”.

Lúc này ông S. nói khi thăm con hay bị làm khó. Và điều ông lo lắng nhất là con ông là con gái, ở chung nhà với cha dượng thì… “không an toàn khi trẻ vào tuổi dậy thì”, chưa kể cha dượng còn có một con trai riêng.

Đại diện VKS đề nghị tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm vì bà Đ. mới sinh con, gia đình đông người, ở nhà thuê, điều kiện chăm sóc con gái sẽ không tốt bằng ông S.

Tòa đã phải nghị án kéo dài nhiều ngày. Sau đó, tòa đã tuyên sửa án sơ thẩm, tiếp tục giao con gái cho bà Đ. trực tiếp nuôi dưỡng vì trong vụ việc không hề có căn cứ nào chứng minh bà Đ. nuôi con không tốt. Từ sau ngày ly hôn đến nay, bà Đ. vẫn nuôi con có sức khỏe tốt, học hành tốt. Việc ông S. nêu chỉ là suy diễn. Bà Đ. đang nuôi con tốt, cháu bé đang phát triển ổn định nên không nhất thiết phải làm xáo trộn cuộc sống của cháu.

Thẩm phán phải quan sát, đánh giá kỹ

Theo nhiều thẩm phán, gặp những tình huống mà pháp luật chưa quy định cụ thể như vụ việc của ông S. và bà Đ., họ sẽ dựa vào kinh nghiệm bản thân để đánh giá cháu bé chung sống với ai thì sẽ tốt cho cháu hơn. Ngoài yếu tố cuộc sống của cháu bé đang ổn định, đang phát triển tốt thì không nên làm xáo trộn, các thẩm phán còn phải quan sát, đánh giá rất kỹ về thái độ ứng xử, suy nghĩ, lối sống… của cha, mẹ để có phán quyết hợp lý.

Chẳng hạn vụ ly hôn của ông NHN và bà TTKL. Hai bên đều thuận tình ly hôn, chỉ tranh chấp quyền nuôi con. Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 4-2014, tòa án một quận ở TP.HCM nhận định cả ông N. lẫn bà L. đều có đủ điều kiện vật chất và chăm lo tốt tinh thần cho con chung (bé gái bốn tuổi). Tuy nhiên, trong quá trình mâu thuẫn dẫn đến ly hôn (từ tháng 3-2013 đến nay), bé gái vẫn do ông N. trực tiếp nuôi dưỡng tốt, cuộc sống của bé đã ổn định nên không cần thiết thay đổi. Từ đó tòa tuyên giao cháu bé cho ông N. tiếp tục nuôi dưỡng.

Bà L. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm của TAND TP.HCM, VKS cũng đồng tình với bà là nên giao cho mẹ chăm sóc con gái thì tốt nhất. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cũng cùng quan điểm với cấp sơ thẩm khi cho rằng không cần thiết xáo trộn cuộc sống của cháu bé.

Sau phiên xử, thẩm phán chủ tọa cho biết qua phần tranh luận tại tòa, ông nhận thấy người cha làm việc chỉ thuần về chuyên môn, không phải “tranh đấu” giữ chức vụ cao và kiêm nhiệm nhiều việc trong công ty như người mẹ. Vì vậy ông cho rằng người cha sẽ có nhiều thời gian dành cho con hơn.

Tương tự trong một vụ khác, phía VKS nói người mẹ cũng có đủ điều kiện như người cha và con gái còn nhỏ (năm tuổi) thì nên giao cho mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm không đồng tình bởi khi gặp cháu bé, thẩm phán đã thấy cháu rất quấn quýt, yêu thương cha.

HOÀNG YẾN

Sao lại tách hai cháu song sinh?

Tôi từng giải quyết một vụ tranh chấp nuôi hai con gái chung mà cả cha lẫn mẹ đều có điều kiện nuôi dưỡng các cháu tốt, đều rất yêu thương các cháu. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cho người mẹ vì từ trước tới nay các cháu đều ở với mẹ. Mặt khác, tôi cũng không tách các cháu ra theo kiểu đứa ở với mẹ, đứa ở với cha vì các cháu là cặp song sinh có tình cảm quyến luyến, tách ra sẽ không có lợi cho sự phát triển của các cháu. Tuy nhiên, sau đó cấp phúc thẩm lại sửa án sơ thẩm, tách hai cháu bé ra, một theo cha, một theo mẹ, làm tôi đã phải băn khoăn mãi…

Một thẩm phán tòa quận ở TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm