Giật nảy với việc thu giá BOT, sao vậy?

Chừng nhìn lại bảng hiệu của các trạm BOT đồng loạt ghi là “trạm thu giá” thì mới hiểu ý tưởng về các rổ giá ấy nảy sinh từ sự đồng âm khác nghĩa của hai từ “giá”. Và chuyện các trạm thu “giá” chứ không còn là thu “phí” như nào giờ là có thiệt 100%.

Từ chỗ tức cười thì dư luận quay cái rột sang bất bình. Mấy ông BOT muốn né từ “phí” để hạ hỏa dư luận về việc quá hạn đã lâu vẫn chưa giải quyết xong các phản ứng về những trạm BOT đặt sai chỗ chứ gì! Do thu của người chạy xe trên đường đến mấy khoản tiền nên mấy ổng muốn tránh tiếng là phí chồng phí chứ gì!... Ôi thôi là quá chừng chừng lời ra tiếng vào.

Thực ra thì việc không còn xài từ “phí” có nguồn cơn của nó. Theo quy định hiện hành, tiền nộp cho cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập để Nhà nước bù đắp chi phí khi cung cấp các dịch vụ công thì do Luật Phí, lệ phí 2015 điều chỉnh. Tiền nộp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (nôm na là cho tư nhân) để mua, bán hàng hóa hay được cung ứng dịch vụ nào đó thì do Luật Giá 2012 điều chỉnh.

Đáng lưu lý là theo Luật Phí, lệ phí 2015 thì “phí dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý” (lâu nay nói gọn là phí BOT) không có trong danh mục phí và lệ phí kèm theo. Vì lý do này mà từ 1-7-2017 (thời điểm Luật Phí, lệ phí 2015 có hiệu lực), khoản tiền thu cho việc lưu thông xe trên các con đường BOT không còn là phí dưới sự cầm trịch của Bộ Tài chính nữa. Thay vào đó, nó được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Bộ GTVT cầm trịch theo quy định của Luật Giá.

Phải điều chỉnh cơ chế thu theo yêu cầu của luật là đành rồi, thế nhưng gọi sao nghe cho lọt tai về khoản thu BOT thì lại phải xem xét thêm về mặt ngôn ngữ học. Theo phân tích của ThS Phạm Tuấn Vũ (baobinhdinh.vn) thì dùng “thu giá” là sai về ngữ nghĩa. Bởi lẽ “phí” có thể hiểu là chi phí, còn giá thì là giá cả, giá bán… “Thu phí” có thể hiểu là thu tiền phí, lệ phí (tức cái cụ thể) nhưng còn “thu giá” thì là thu về giá cả, giá bán (tức cái trừu tượng). Sẽ là sự tréo ngoe khi với “thu giá” thì vật được thu là giá cả, mức giá (chứ không phải là tiền) trong khi cái mà các trạm BOT muốn thu là tiền sử dụng đường.

Vậy, khi Luật Phí, lệ phí độc chiếm từ "phí" cho các khoản tiền do nhà nước thu nên các doanh nghiệp BOT không còn muốn dùng từ này để dễ tự quyết với Bộ GTVT hơn, các trạm BOT phải ghi sao để dân không bị “hại não” về cách dùng từ "thu giá" không đúng chuẩn tiếng Việt?

Suy cho cùng, “phí” hay “giá” để theo luật này hay luật nọ là chuyện của các bộ, UBND các tỉnh, thành, còn với người dân thì tất thảy là tiền và nhất định phải hợp lý chứ không đơn thuần cao, thấp. Thế nên tiếp tục nói phí BOT hay đổi sang nói tiền BOT chẳng phải là chuyện lớn đối với số đông. Điều quan trọng mà mọi người trông mong hơn cả vào lúc này là chính quyền các nơi phải cố gắng xử lý thỏa đáng một số trạm BOT bị cho là đặt sai chỗ hoặc có mức thu chưa đúng để hạn chế những đảo lộn, mất trật tự trong xã hội vì các điểm nhạy cảm ấy tồn tại lâu quá rồi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm