Gieo niềm tin cho những hạt mầm khuyết

Giờ đây, khi gia đình ổn định, “hạt giống khuyết tật” ấy lại bắt đầu ươm hy vọng cho những hạt mầm khác cũng khuyết tật và bỡ ngỡ như mình ngày xưa.

Cô bé Nguyễn Thị Minh Lý xanh xao, gầy gò, thở khó nhọc trước đây đã chứng tỏ cho mọi người thấy bất hạnh không phải là tật nguyền mà là không vượt qua được nỗi sợ của chính mình. Nhờ khổ luyện, “cô gái vàng” Minh Lý đã thi đấu rất ấn tượng tại các đợt Đại hội Thể thao người khuyết tật trong nước, đoạt tổng cộng 33 huy chương vàng (HCV) và ba huy chương bạc (HCB). Hơn thế nữa cô còn làm rạng danh Tổ quốc qua hai kỳ Đại hội Para Games Đông Nam Á với năm tấm HCV quý giá.

̀ tuổi thơ kém may mắn thành… họa sĩ

Men theo con đường sỏi đá, căn nhà nhỏ trong hẻm sâu ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP.HCM) vẳng ra giọng hò đậm chất miền Tây sông nước. Thì ra chị Lý đang ru con ngủ. Vẻ hiền hậu của mẹ, sự thanh bình trên gương mặt con trong phút giây ấy có thể khiến người ta không tin chị đã từng trải qua quãng đời bệnh tật và khó khăn.

Nguyễn Thị Minh Lý (ngồi, ngoài cùng bên tráỉ) trong một lần tham gia ASEAN Para Games tại Philippines. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh ra trong một vùng quê thuần nông tại Cai Lậy, Tiền Giang. Tuổi lên ba, một cơn sốt bại liệt ập đến, cô gái nhỏ bắt đầu làm bạn với chiếc xe lăn. Cũng từ đó, sống lầm lũi, tránh mọi ánh nhìn của người đời. Tám tuổi, bạn bè mặc đồng phục, thắt khăn quàng đỏ tung tăng ngang nhà, cô bé nghe lòng thắt lại.

Thương con, cha mẹ tìm cách đưa đến trường cho Lý học hành. Năm lớp 4, đôi chân Lý có dấu hiệu teo lại, đau nhức, việc học đành gác lại. Rồi Lý vẽ tranh những lúc bệnh không hành hạ. Tranh Lý có người tìm đến và đặt mua với giá 5.000 đồng một bức. “Tôi đã lớn lên trong những ngày tháng bệnh tật nhưng lại cảm thấy đầy ý nghĩa” - chị Lý lạc quan kể.

Có ai ngờ cô họa sĩ bệnh tật như vậy lại có ngày trở thành “cô gái vàng” của thể thao bơi lội Việt Nam. Cơ duyên đến với thể thao cũng đặc biệt. Lý cho biết chính niềm tin mình có thể bơi từ lần suýt chết đuối đã cho chị thành công hôm nay.

̀ suýt chết đuối thành cô gái vàng bơi lội

Năm 14 tuổi, trên đường bơi xuồng về nhà, Lý bị nhánh cây quấn vào người nên rớt xuống sông. “Đang lúc nghĩ mình sẽ chết thì tôi thấy cơ thể nổi bồng bềnh. Cố bám vào mạn xuồng và tìm cách trèo lên, cứ tưởng là giấc mơ”. Chuyện này ở nhà không ai tin cả và từ đó cũng không ai dám để Lý đi một mình nữa.

Mãi đến năm 2000, khi được bác chở ngang qua Trung tâm Huấn luyện bơi lội dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, TP.HCM, Lý ngỏ ý muốn vào. Thương cháu, bác đồng ý. Từ đây, cuộc đời của Minh Lý lại rẽ sang trang khác. Thân thể của Lý xuống nước là tự nhiên nổi lên mà không cần đến động tác nào. Điều này đã khiến huấn luyện viên trưởng bơi lội ở trung tâm Đồng Quốc Cường để ý và quyết tâm đào tạo Lý trở thành vận động viên chuyên nghiệp, bất chấp can ngăn của một số đồng nghiệp.

Giữa năm 2005 chị gặp chồng mình, anh Nguyễn Hoàng Anh, trong vai trò huấn luyện viên đội tuyển bơi lội Cần Thơ. Những câu đùa cợt hồn nhiên của bạn bè bỗng thành sự thật. Rồi anh cầu hôn. Hạnh phúc vỡ òa trong Lý. Sức mạnh tình yêu đã giúp họ đến với nhau, bất chấp những ngăn cản. “Con trai ngỏ ý lấy vợ ai cũng mừng nhưng hụt hẫng khi biết con dâu tương lai là người khuyết tật. Thoạt đầu không ít lần gia đình phản đối nhưng khi biết được nỗ lực vươn lên của Lý, mọi người đều tán thành” - bà Đặng Thị Bạch Lan (mẹ anh Hoàng Anh) nói về con dâu như thế.

Lấy chồng, Lý giã từ đường đua về chăm lo tổ ấm, Hoàng Anh rời Cần Thơ lên TP.HCM làm lại từ đầu. Hai thiên thần nhỏ lần lượt ra đời. Thu nhập của Lý ở thành phố chủ yếu đến từ sự khéo léo đôi tay là vẽ tranh và trang điểm cô dâu. Khi cuộc sống gia đình dần ổn định, hai vợ chồng chắt chiu mở mái ấm tình thương, giúp đỡ những phận đời bất hạnh.

Giờ thì căn nhà nhỏ của vợ chồng chị đầy ắp tiếng cười. Hàng chục bạn trẻ khuyết tật, bại liệt, khiếm thị đổ về xem đó là ngôi nhà thứ hai. Lý đưa những em có cảnh ngộ khó khăn về chăm sóc, tìm công việc phù hợp. Luôn tin rằng mỗi phút giây sống trên đời là một niềm vui và luôn động viên, gieo niềm tin giúp các em có nghị lực vượt qua.

Chăm chút từng bữa cơm, tất tả ngược xuôi khi có em nào ngả bệnh. Hoàng Anh thì giúp họ tiếp cận môi trường thể thao, sinh hoạt trong Trung tâm Huấn luyện bơi lội dành cho người khuyết tật quận Tân Bình nơi anh đang công tác. Phát hiện em nào có năng khiếu là hỗ trợ hết mình. Từ yêu thương này, nhiều gương mặt vượt lên số phận như Dương Văn Ngọc, Lý Huỳnh, Vũ Xuân Nhất hay Đỗ Thị Quyên với nhiều thành tích xuất sắc tại các giải bơi lội trong nước và quốc tế.

Về trường hợp bé Nguyễn Thị Đen (16 tuổi, quê Hậu Giang), chị Lý kể: Đen khuyết tật hai chân nhưng có thể bơi các thể loại. Trong một lần dự giải toàn quốc, do chưa đủ tuổi nên em không được thi. Điều này khiến Đen nản chí. Vợ chồng chị biết chuyện, đưa về nhà nuôi dưỡng, hướng dẫn luyện tập. Giờ thì Đen được chọn làm hạt giống cho Giải bơi trẻ châu Á. Chỉ mong trong tương lai, Đen sẽ gặt hái nhiều thành công hơn, trở thành cô gái vàng trên đường đua xanh. Hy vọng mái ấm phát triển, bền vững để những mảnh đời bất hạnh có nơi nương tựa mà vượt qua số phận.

XUÂN NGỌC

Nhìn cô bé người xanh xao, gầy gò phờ phạc ngồi trên chiếc xe lăn với đôi chân không lành lặn, tôi đã khuyên từ bỏ học bơi. Lúc ấy Lý chỉ bẽn lẽn nói: “Thầy không tin tưởng con”. Xót xa, tôi quyết dành thời gian cho Lý thử sức. Không ngờ sau một tuần, Lý như con cá ở dưới nước. Đặc biệt, chế độ luyện tập, giáo án khắc nghiệt nhưng cô bé ấy không hề than vãn, kêu ca mà chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Có lúc 14 giờ chiều nắng như đổ lửa Lý bơi cả ngàn mét. Sau một năm luyện tập, Lý khẳng định bản thân với giải vô địch quốc gia rồi giành HCV bơi lội ở ASEAN Para Games.

Huấn luyện viên ĐỒNG QUỐC CƯỜNG  - Trung tâm Huấn luyện bơi lội dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, TP.HCM

Những em khuyết tật đến ở với gia đình Lý gặp hàng xóm luôn cười hiền. Người trong ấp ai cũng thương. Lý khuyết tật nhưng nghị lực phi thường. Chăm lo cuộc sống đã khó thế mà còn giúp những mảnh đời khác. Trong khi đó, thu nhập hai vợ chồng cũng eo hẹp. Họ sống hòa thuận lắm, hai đứa nhỏ cũng ngoan. Đặc biệt, bé lớn Nguyễn Hoàng Minh Châu (tám tuổi) học giỏi, biết phụ giúp cha mẹ chăm em, phụ giúp việc nhà.

PHAN THỊ HỒNG (51 tuổi, ngụ ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM), hàng xóm của Minh Lý

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm