CÓ NHÀ MÀ CỨ NHƯ KHÔNG
Bà Liêng xây tường ngăn lối đi chung. |
Khoảng 19 giờ ngày 27-8-2008 vợ chồng anh Hoàng Minh Thế (SN 1970, ngụ khu phố 1, phường Phú Mỹ, quận 7) đi làm về thì nhận được hung tin chị Hoàng Ánh Tuyết (SN 1963, chị gái anh Thế, ngụ cùng nhà) bị đâm chết. Hung thủ giết chết chị Tuyết là Lê Minh Nhật (SN 1961, con bà Liêng hàng xóm) đã bị bắt giam. Anh Thế ngậm ngùi kể, chỉ vì lối đi chung (diện tích 3,5m x 9m + 4,25m x 4,5m) mà hai gia đình đã nhiều lần mâu thuẫn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và bị công an phường nhắc nhở.
Theo hồ sơ của UBND quận 7 thì nguồn gốc mảnh đất là lối đi chung trên do ông Lê Thành Long và vợ là Trần Thị Năm mua lại từ năm 1958. Sau khi mua đất, ông bà Long cất nhà ở cùng với 3 người con gồm: Lê Văn Tư, Lê Thị Tiến và Lê Thị Liêng. Sau khi có gia đình, bà Tiến, ông Tư cất riêng một căn nhà trên mảnh đất chung này, riêng bà Liêng thì ở tại căn nhà do ông Long và bà Năm để lại. Cả 3 gia đình đều hợp thức hóa căn nhà của mình và cùng đi chung trên một lối đi.
Năm 1994, ông Tư mất, các con ông ở thành phố nên không thường xuyên về nhà. Năm 2001, con ông Tư là Lê Sơn Minh Phương bán lại căn nhà này cho vợ chồng anh Hoàng Minh Thế. Từ khi anh Thế mua lại căn nhà này thì biết bao sự phiền toái đã xảy ra vì lối đi chung ra đường Huỳnh Tấn Phát. Rất nhiều lần gia đình anh Thế đi làm về đều bị gia đình bà Liêng đóng chặt cửa không cho vào.
Cổng của ba gia đình nhưng chỉ nhà bà Liêng được khóa. |
Gay gắt hơn, tháng 11-2005 bà Liêng đã tự ý xây một bức tường và dùng hàng rào B40 để ngăn cách nhà anh Thế với lối đi ra đường. Ngày 28-3, Tòa án nhân dân quận 7 đã mở phiên sơ thẩm, công nhận phần đất (diện tích 3,5m x 9m + 4,25m x 4,5m) là lối đi chung của 3 hộ: Hoàng Minh Thế, Lê Thị Liêng, Lê Thị Tiến. Tòa buộc bà Liêng phải dỡ bỏ hàng rào bằng lưới B40, tường xây bằng gạch ngăn cách lối đi chung. Bà Liêng kháng cáo. Ngày 17-8-2008, Tòa án nhân dân thành phố (TANDTP) xử phúc thẩm quyết định bà Liêng phải phá bỏ rào cổng và bức tường xây, trả lại hiện trạng ban đầu. Ông Hoàng Minh Thế được quyền lắp điện nước trên diện tích lối đi chung. Gia đình bà Liêng vẫn không thực hiện quyết định của tòa mà tiếp tục ngăn cản không cho gia đình anh Thế được mắc điện nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và tiếp đó là việc chị Tuyết bị giết. Cho đến thời điểm hiện tại, anh Thế còn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất người thân đồng thời vẫn phải chịu đựng tình trạng sống trong cảnh có nhà mà cứ như không.
KHÔNG CÓ CHUYỆN ÁN “CHÌM XUỒNG”
Cũng trong tình trạng tranh chấp đất mà cô giáo K.N.D (SN 1956, ngụ xã Đông Thạnh, Hóc Môn) bị giết. Ai cũng biết chuyện tranh chấp đất đai giữa nhà cô giáo D. với gia đình ông Lê Văn Bạc nhưng chẳng thể ngờ trong buổi chiều ngày 12-7-2007, một ông già 82 tuổi lại dùng phảng cắt cỏ xuống tay tàn nhẫn. Mảnh đất có diện tích 1.724m2 là nguyên nhân xảy ra tranh chấp giữa hai gia đình từ năm 1989. Sau nhiều lần UBND xã Đông Thạnh rồi đến UBND huyện Hóc Môn giải quyết tranh chấp mà không được hai bên đồng tình, ngày 18-3-2002, UBNDTP ra quyết định công nhận diện tích 196m2 là lối đi được giao cho ông Bạc quản lý sử dụng, diện tích còn lại 1.528m2 là khu thổ mộ chung của hai gia tộc Lê Văn Bạc và Kiều Văn Lập. Các bên vẫn khiếu nại quyết định này. Ngày 6-2-2003,
Anh Thế trước di ảnh chị gái. |
UBND xã Đông Thạnh có tờ trình với nội dung: “Xét thấy đất có nguồn gốc của gia tộc ông Kiều Văn Lập, ông Lập có cho gia tộc ông Bạc chôn cất người qua đời. Nay cho ông và ông Lập cùng đăng ký sử dụng là chưa thỏa đáng” và kiến nghị: “Nên quyết định để cho ông Lập đăng ký quyền sử dụng đất, nhưng phải giữ nguyên các mồ mả của gia tộc ông Bạc”...
Chiều 12-7-2007, được tin ông Bạc và người nhà đang chặt cây, đổ đá trên lối đi thuộc phần đất thổ mộ của gia đình mình, cô giáo D. cùng người em và con trai lớn từ thị trấn Hóc Môn chạy về. Ông Bạc tuyên bố: “Thằng nào đụng đến tao chém chết” và ông thủ sẵn cây phảng dài hơn 1m trong khi các con của ông đang đổ đất, san lấp đường. Cô giáo D. dựng xe bước tới, chưa kịp can ngăn thì ông Bạc đã vung cây phảng khiến cô chết trên đường đi cấp cứu. Lê Văn Bạc bị Công an huyện Hóc Môn ra lệnh bắt khẩn cấp. Sau đó, căn cứ điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự và thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM, cơ quan điều tra đã ký quyết định cho ông Lê Văn Bạc được tại ngoại. Bên cạnh đó, khi cơ quan cảnh sát điều tra triệu tập, nhiều nhân chứng đã không có mặt, gây khó khăn cho công tác điều tra dẫn đến chưa thể ra quyết định điều tra vụ án chứ không phải như gia đình cô giáo D. khiếu nại vì nghĩ vụ án bị “chìm xuồng”.
Ngày 1-9-2008, CQĐT đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố ông Lê Văn Bạc về tội “giết người”. Ngày 29-9-2008 đại tá Phan Anh Minh - Thủ trưởng cơ quan CSĐT - đã ký quyết định về việc giải quyết khiếu nại thông báo cho gia đình cô giáo D. biết.
Theo QUỐC QUANG (CATP)