Giọng ca phi giới tính khiến giảng viên muốn viết riêng giáo trình

(PLO)- Theo ca sĩ Phúc Tiệp, Giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hàng chục năm giảng dạy ở học viện âm nhạc cũng như trong lịch sử của học viện, chưa khi nào có một sinh viên hát giọng này.

Ngày 24-9, tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, giọng ca phi giới tính Trần Tùng Anh chính thức ra mắt album vol.1 Núi hát gồm chín MV.

Đây là dự án âm nhạc lớn mà nam ca sĩ đã đầu tư nhiều tâm huyết cũng như tài chính để thực hiện.

Giọng ca đặc biệt

Trong chiếc áo dài vàng in hình cầu Tràng Tiền bắc qua dòng Hương Giang thơ mộng, Trần Tùng Anh khiến cả khán phòng gai người khi khoe giọng nữ mềm mại ngọt ngào trong vắt qua ca khúc Nàng Thơ Xứ Huế.

Ngay sau đó anh chuyển sang giọng nam trầm, mạnh mẽ và luân chuyển giọng một cách nhịp nhàng tinh tế, ăn ý một cách kỳ ảo. Nghe Trần Tùng Anh hát, nếu không nhìn hướng lên sân khấu, thật khó tin đó là một chàng trai. Vì từ cách bỏ nhỏ đến khi lên tông cao vút đều rất đàn bà.

Trần Tùng Anh trình diễn tại sự kiện. Clip: VT.

Ba tiết mục rất nhiều công sức, tâm huyết được ê kíp chuẩn bị từ sáng sớm. Trần Tùng Anh cho biết, mình vừa phải truyền tám chai nước. Sáng nay khan giọng nên cảm thấy phần trình diễn của mình "tệ", không ở phong độ đỉnh cao dù nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người có mặt trong khán phòng.

Trần Tùng Anh được biết đến là giọng ca phi giới tính. Anh bước vào sự nghiệp ca hát kể từ 2017 khi tham gia The Voice. Sở hữu ngoại hình thư sinh, giọng nói trầm ấm và nam tính song Trần Tùng Anh lại có khả năng hát giọng nữ ngọt ngào và cao vút.

tran-tung-anh-2.jpg
Trần Tùng Anh biểu diễn tại sự kiện. Ảnh: VŨ TOÀN.

Có mặt tại sự kiện, ca sĩ Phúc Tiệp, người thầy của Trần Tùng Anh khi anh học ở Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam gọi anh là “học trò đặc biệt”. Vị giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết tại Việt Nam, Tùng Anh là trường hợp đầu tiên tự tin bước ra với một chất giọng hoàn toàn là giọng nữ.

“Hàng chục năm giảng dạy ở Học viện âm nhạc cũng như trong lịch sử của học viện, chưa khi nào có một sinh viên hát giọng này”- ông cho biết.

Ca sĩ Phúc Tiệp cũng bày tỏ, khi còn là thầy giáo của Tùng Anh, ông đã định viết riêng một giáo trình cho Tùng Anh với giọng này. Tuy nhiên, dự định này không thể thực hiện, do Tùng Anh được khán giả ủng hộ nồng nhiệt nên đã tạm gác việc học lại để bắt đầu sự nghiệp của mình.

tran-tung-anh.jpg
Trần Tùng Anh (đứng) tại buổi họp báo. Ảnh: VŨ TOÀN.

Cái tên album Núi hát xuất phát từ ước mơ của Trần Tùng Anh hồi nhỏ. Chàng trai miền núi Bắc Giang yêu ca hát, thường hát vang trên đường đi học.

Chín MV như lời tưởng nhớ người cha đã khuất

Dự án Núi hát gồm chín MV: Tiếng đàn ta lư, Nàng thơ xứ Huế, Hồ trên núi, Còn duyên, Qua cầu gió bay, Chín bậc tình yêu, Tình ca Tây Bắc, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó Đẹp mãi tình ta.

Có thể thấy, list bài có những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, có những bài hát mang âm hưởng dân gian và một số bài dân ca quan họ. Tất cả thể hiện ước mơ được ca ngợi vẻ đẹp miền sơn cước từ khi còn nhỏ của Trần Tùng Anh. Nhưng, ý nghĩa phía sau đó trong cách chọn bài của Trần Tùng Anh mới thực sự khiến khán giả cảm động.

Theo Trần Tùng Anh, toàn bộ chín ca khúc được lựa chọn đã gói trọn bước chân hành quân của bố Trần Tùng Anh trong cuộc đời quân ngũ của ông và chặng đường tình cảm của bố mẹ anh.

Để rồi khi nghe album, khán giả sẽ hình dung được phần nào câu chuyện về cuộc đời của một người thanh niên đầy nhiệt huyết, đã sống hết mình để cống hiến cho đất nước, cho đời và hết mình với tình yêu, gia đình.

Trần Tùng Anh đã rất khéo léo chọn lựa ca khúc để nói lên thông điệp anh gửi gắm, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đến người cha đã khuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm