Giúp con đứng dậy sau thất tình

Giúp con đứng dậy sau thất tình ảnh 1

Đang say giấc, tôi nhận được cuộc gọi từ một số thuê bao lạ vào lúc 0g khuya. Chưa kịp nói gì khi nhấc máy lên, tôi đã nghe tiếng khóc của một cô gái. Biết nhầm số nhưng khi nghe tiếng khóc, câu nói “em sẽ chết cho anh xem, em không muốn sống nữa” từ đầu dây bên kia khiến tôi lo lắng.

Những cú sốc đầu đời

Tìm hiểu thêm, tôi được biết bạn gái có ý định tự tử kia chỉ là một học sinh lớp 9 và nguyên nhân dẫn đến ý định này là do em đang... thất tình. Em gọi nhầm vào số của tôi chỉ vì số điện thoại của tôi và người yêu em na ná nhau.

Chuyện của bạn gái gọi nhầm số làm tôi nhớ trường hợp của Tr. - một học sinh lớp 10. Tr. và cô bạn học chung lớp, là học sinh giỏi, cán bộ Đoàn nên hai em thường xuyên tiếp xúc với nhau, phát sinh tình cảm và chính thức yêu nhau từ cuối năm lớp 9. Phụ huynh của cả hai đều biết và ủng hộ, nhất là khi hai em thi đạt điểm cao vào một trường THPT có tiếng ở TP.HCM. Tuy học khác lớp nhưng vẫn chung trường, song có lẽ do áp lực học tập nên cô bạn gái chủ động chia tay Tr.. Thái độ dứt khoát chia tay của bạn gái làm Tr. bị sốc nặng. Ánh mắt vô hồn, chẳng thiết ăn, chẳng muốn ngủ khiến việc học hành sa sút đến mức Tr. tụt từ hạng 5 xuống hạng 28 trong tổng số 35 học sinh trong lớp.

Giúp con đứng dậy

Ba mẹ Tr. trách mắng em. Sau một thời gian Tr. vẫn không chuyển biến nên ba mẹ em dùng nhiều biện pháp “mạnh” hơn như la mắng nặng lời hơn, thậm chí nhốt Tr. ở trong nhà với hi vọng em sớm lấy lại thăng bằng, trở về với quỹ đạo học tập vốn có. Tuy Tr. vẫn vâng lời ba mẹ, nhưng tôi hiểu em cần ở ba mẹ những lời động viên, sẻ chia hơn là sự trách mắng.

Quan sát Tr., tôi nhận thấy từ ngày gặp phải cú sốc tình cảm, em thường nghe nhạc buồn, xem những bộ phim có tính chất ướt át như chia tay, chia li, tiếc nuối chuyện tình cảm đã qua... Đặc biệt, khi bị ba mẹ la mắng, nhốt ở trong nhà, Tr. lại có điều kiện để “giải sầu” bằng những bản nhạc, những bộ phim như vậy nên tâm trạng của em đã buồn lại càng buồn thêm. Do vậy việc đầu tiên là tôi chọn những thời điểm Tr. rảnh rỗi, rủ đi đá bóng - môn mà trước đây Tr. rất thích, hoặc đi quán nước, gặp gỡ với mấy người bạn. Cuối tuần chúng tôi lại xem mấy trận bóng đá thuộc các Giải ngoại hạnh Anh hoặc Tây Ban Nha gì đó... Tóm lại tôi cố tình hoặc làm tăng sự “bận rộn” ở Tr., hoặc tạo ra nhiều cuộc gặp mà Tr. có thể tham gia nhằm giúp em “thoát li” hình ảnh cô bạn ở trong đầu, đồng thời cũng để em rời xa mấy cái bản nhạc, phim ảnh ướt át, dần dần quên đi chuyện tình cảm.

Việc làm của tôi cũng phát huy tác dụng, Tr. bắt đầu trở lại với việc học. Em đi học đều hơn, chú trọng vào những môn sở trường và một thời gian sau Tr. hồ hởi khoe với tôi đã trở lại “top 10” trong số 35 học sinh của lớp.

Lứa tuổi cuối cấp II, đầu cấp III là giai đoạn chuyển giao từ lứa tuổi trẻ con sang lứa tuổi người lớn nên tâm sinh lý có những bước phát triển mới. Ở tuổi này, các em dễ nảy sinh tình cảm khác giới trong khi tương lai thì chưa rõ ràng, kiến thức về sức khỏe sinh sản, về cuộc sống và tình yêu cũng như bản lĩnh để vượt qua những khó khăn còn hạn chế... Chính vì vậy, mỗi khi gặp những cú sốc tinh thần như thất tình, các em dễ bị suy sụp, chán nản và rơi vào trạng thái buông xuôi, chán sống, thiếu bản lĩnh, kỹ năng, ý chí để vượt qua cú sốc. Do đó, nếu con trẻ không may vướng vào cú sốc thất tình, cha mẹ nên lắng nghe, chia sẻ, động viên con vượt qua chứ không nên trách mắng, tỏ thái độ nặng nề hay tìm cách nhốt con ở trong nhà.

Ngoài ra, ba mẹ cần sắp xếp thời gian, tổ chức các hoạt động mang tính chất gia đình như đưa con đi thăm ông bà ở quê, nếu có thể thì đi du lịch, khuyến khích, tạo điều kiện cho con tham gia các sinh hoạt tập thể, thể thao để con phai dần hình ảnh của đối tượng vốn đang ngự trị trong tâm trí.

Theo THS NGUYỄN QUẾ DIỆU (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm