Grab: 'Có doanh nghiệp taxi ‘dọa’ ban soạn thảo Nghị định 86'

Theo đó, Grab cho rằng với vai trò là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần đưa ngành vận tải Việt Nam hòa nhập, bắt kịp với làn sóng công nghiệp 4.0, Grab cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong dự thảo mới nhất của Bộ GTVT.

Dự thảo Nghị định 86 quy định tất cả các xe dưới chín chỗ kinh doanh vận tải đều là taxi. Ảnh: Internet

Cụ thể, việc quy định ô tô có sức chứa từ chín chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Dẫn quyết định đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử, Grab khẳng định quyết định của Thủ tướng mở ra một giai đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích và ưu việt cho người tiêu dùng, đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và cả cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể, việc ứng dụng KHCN giúp tăng sức cạnh tranh cho các đơn vị vận tải vừa và nhỏ trên thị trường, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành vận tải hành khách. Các đơn vị vận tải lớn trong ngành cũng buộc phải chuyển mình, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà người tiêu dùng là bên có lợi nhất.

Bên cạnh đó, Grab giúp các cơ quan quản lý nhà nước cập nhật nhanh chóng và chính xác từng giao dịch của mỗi phương tiện thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải, giúp họ nắm bắt tình hình và có các biện pháp quản lý phù hợp.

Sự ra đời của Grab còn cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Grab cũng khẳng định tiền thuế luôn đóng đầy đủ và tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

“Chỉ trong chín tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỉ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỉ đồng trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ…”, đại diện Grab thông tin.

Với những kết quả đó, Grab khẳng định dự thảo Nghị định 86/2014 đi ngược lại chỉ đạo trên của ngài Thủ tướng.

Đại diện Grab cũng bày tỏ cảm giác buồn khi vẫn còn những doanh nghiệp taxi lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh: “Họ dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần, cho đến việc yêu cầu Chính phủ dừng đề án thí điểm, thậm chí đe dọa ban soạn thảo nghị định phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho ngành taxi…”, đại diện Grab nhấn mạnh.

Nếu dự thảo chiều theo ý muốn của các doanh nghiệp taxi mà bỏ qua ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế. “Điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam…”, đại diện Grab nhấn mạnh.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng vừa gửi văn bản cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về dự thảo Nghị định 86.

Theo đó, đơn vị này kiến nghị cần xác định đúng loại hình và biện pháp quản lý đối với taxi, tránh đánh tráo khái niệm, cố tình xếp sai loại hình, gây bất bình đẳng vì lợi ích nhóm.

Đồng thời, taxi truyền thống mong Phó Thủ tướng tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (cả Uber, Grab), các chuyên gia giao thông vận tải và lãnh đạo bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung cần phải chỉnh sửa để tránh tình trạng “chạy chính sách”, vì lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước và xã hội….

 Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014. Trong đó, quy định xe kinh doanh vận tải dưới chín chỗ đều được gọi là taxi. Như vậy, những loại hình xe công nghệ như Grab bốn bánh phải đeo mào như taxi và chịu các quy định ràng buộc như taxi truyền thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm