GS Lê Quân nói rõ hơn về phát ngôn 'học phí là rào cản kỹ thuật'

Hôm qua, 25-7, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Quân (Cà Mau), Giám đốc Đại học Quốc ra Hà Nội nói rằng: “Cần có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học đại học. Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành "học đại"".

Phát ngôn trên của ông thu hút nhiều luồng dư luận khen-chê, đồng tình - phản đối.

Trao đổi với PLO, GS Lê Quân muốn nói rõ thêm rằng: “Chính sách học phí đại học hiện nay có nhiều bất cập vì vậy chất lượng đào tạo giảm sút. Cho nên, để nâng cao chất lượng đại học thì cần phải điều chỉnh chính sách học phí và hoàn thiện chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tốt”.

“Cần bàn giải pháp hơn là tranh luận học phí cao hay thấp”

GS Lê Quân khẳng định học phí hiện nay tuy thấp nhưng chính sách về học phí lại chưa tạo điều kiện cho sinh viên nghèo, học giỏi tiếp cận các chương trình đào tạo đại học chất lượng. Học phí hiện nay chỉ bằng khoảng ¼ mức tiền lương tối thiểu, còn ngân sách nhà nước lại đang có xu hướng cắt giảm nên các trường đại học gặp nhiều áp lực khi khó khăn về kinh phí hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo.

GS Lê Quân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu tại Quốc hội hôm 25-7 về chính sách tự chủ đại học và học phí, một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: QH

“Nhiều trường đại học muốn tự chủ, thu học phí cao và không nhận ngân sách nữa. Vì vậy, nguồn thu chủ yếu của các trường là học phí. Các đại học “top” đầu đã triển khai tự chủ, chương trình đào tạo tốt và vì vậy mức thu học phí vượt trần rất nhiều lần”, GS Lê Quân cho hay.

Ở chiều ngược lại, những quy định về miễn giảm học phí, cấp học bổng cho các đối tượng đã khá “lạc hậu” so với thị trường và mức thu nhập chung của xã hội.

Chính sách tín dụng vay học tập, việc cho phép các trường đại học trích lập học phí để thành lập các quỹ học bổng vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Nhà nước hiện vẫn đang tập trung xây dựng mức sàn học phí mới trong khi điều quan trọng là là sửa chính sách miễn giảm học phí, học bổng, vay vốn học tập lại chưa được chú trọng đúng mức.

“Hệ quả là học phí đại học đang tăng nhanh nhưng sinh viên nghèo học khá, học giỏi lại ít có cơ hội theo học các trường chất lượng. Tôi cho rằng chúng ta cần bàn giải pháp để giải quyết các bất cập này hơn là tranh luận xem học phí phải ở mức cao hay thấp”, GS Lê Quân nói.

Đa số học sinh nên học nghề để có việc làm

Về phát biểu tại Quốc hội, GS Lê Quân thông tin lại rằng ông phát biểu rất đủ ý. Đó là học phí phải tính theo đúng định mức kinh tế kỹ thuật; chính sách để hỗ trợ học sinh nghèo học khá, giỏi để học được đại học phải tính đến và nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục đại học chứ không nên cắt giảm chi thường xuyên gắn với cắt giảm biên chế như hiện này. Phải coi chi thường xuyên đó là một khoản đầu tư nhằm tránh áp lực tài chính lên tự chủ đại học.

GS Lê Quân cũng cho rằng: học phí hiện nay thấp nên nhiều trường đại học phải tăng thu bằng cách tăng quy mô đào tạo. Điều đó khiến chất lượng đào tạo giảm sút trong khi học sinh lại cứ muốn đỗ đại học bằng được. GS Lê Quân nói giáo dục cần phân tầng để bên cạnh một tỷ lệ nhất định học sinh vào đại học thì phần lớn học sinh phải được học nghề để kiếm được việc làm tốt.

Để “phân tầng” được như vậy thì phải có hai công cụ “phân luồng”. Một là tuyển sinh nhằm sàng lọc năng lực học sinh, hai là công cụ tài chính, mà cụ thể ở đây là mức học phí cao.

Công cụ tài chính thực ra đã được áp dụng ở hầu hết các chương trình đào tạo chất lượng cao. Theo đó, sinh viên phải đóng toàn bộ học phí, nhưng cạnh đó có chính sách miễn 100% học phí, giảm học phí hoặc cấp học bổng.

“Như thế thì những học sinh có hoản cảnh khó khăn nhưng năng lực học đại học đáp ứng tốt thì được hỗ trợ tài chính để học tập. Nguồn tài chính để miễn, giảm cho sinh viên nghèo, năng lực học đại học tốt lấy từ nguồn học phí của các sinh viên khác, cũng như các nguồn tài trợ hay từ kinh phí dành cho các chương trình an sinh của nhà nước”, GS Lê Quân phân tích. 

 

Công cụ phân luồng đại học – dạy nghề

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, học phí chính là công cụ để phân luồng học sinh. Như ở Mỹ, hầu hết sinh viên đều vay nợ để đi học và họ chịu áp lực tự cân đối tài chính khi học đại học. Cũng chính vì vậy mà sinh viên có trách nhiệm, học tập và hòa nhập xã hội tốt hơn, dễ kiếm được việc làm hơn.

Tại Việt Nam, thực tế thời gian vừa qua, học phí ở một số trường đại học hàng đầu đã tăng rất nhanh. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cũng rất lớn bởi vậy học sinh chọn học cao đẳng và các trường nghề cũng đã tăng lên. Và đương nhiên, một lý do cho sự lựa chọn này chính là học phí.

GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm