Gương chiếu hậu của xe máy phải có kích thước như thế nào?

(PLO)- Có gương chiếu hậu nhưng không đúng kích thước cũng sẽ bị xử phạt theo quy định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Em trai tôi gắn một chiếc gương chiếu hậu xe máy có kích thước rất nhỏ. Tôi nói gương như vậy là không đúng quy định về kích thước nhưng em tôi không tin, nó bảo có gắn là được.

Xin hỏi, pháp luật quy định kích thước của gương chiếu hậu xe máy thế nào? Nếu không đúng kích thước có bị xử phạt không?

Bạn đọc Hạnh Nguyễn (TP.HCM)

IMG_7059.jpeg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo điểm e khoản 1, khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe ô tô, mô tô hai bánh phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.

Đồng thời, căn cứ Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14:2015/BGTVT, gương chiếu hậu đúng quy định dành cho xe mô tô; xe gắn máy phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Xe gắn máy phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu bên trái của người lái; Xe mô tô phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.

- Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn; Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50m về phía bên phải và bên trái.

- Nếu là gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm.

- Nếu là gương không tròn, kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78mm, nhưng phải được nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120mm x 200mm.

Bên cạnh đó, tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT cũng có quy định về kích thước của gương chiếu hậu như sau:

- Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2.

- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Ngoài ra, tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát.

Như vậy, nếu xe máy có gương chiếu hậu nhưng không đáp ứng các điều kiện trên tức là xe máy có gương nhưng không có tác dụng. Và tất nhiên điều này đồng nghĩa với việc sẽ bị xử phạt theo quy định.

Cụ thể, theo Điều 17 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), đối với người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy khi tham gia giao thông không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có gương chiếu hậu bên trái nhưng không có tác dụng thì sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng.

Tóm lại, khi tham gia giao thông người điều khiển xe máy bắt buộc phải có gương chiếu hậu bên trái và gương phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm