Bà Vũ Thị Ánh, Chủ tòa nhà Panorama đã trình bày phương án sửa chữa kiến trúc sử dụng các họa tiết, chi tiết dùng trang trí của các dân tộc địa phương vào công tác hoàn hiện công trình tạo cảnh quan gần gũi với môi trường xung quanh, đồng thời cũng là nơi giới thiệu văn hóa, các sản vật và đặc sản địa phương với du khách trong và ngoài nước.
Bà Ánh cũng báo cáo về việc cải tạo, chỉnh trang công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách với quy mô kiến trúc phù hợp, chủ đầu tư công trình.
Một phần công trình của Panorama. Ảnh: VT
Về kết cấu công trình, bà Ánh nêu ý kiến phần công trình trên cốt mặt đường giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VH-TT&DL đã nêu.
Giải thích về việc giữ lại phần nổi bà Ánh cho rằng đấy chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình.
Phần cuối phía dưới của công trình cũng vậy, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình.
Đánh giá về phương án này, PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng việc xây dựng điểm dừng chân ở Mã Pì Lèng là nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản và hưởng thụ, trải nghiệm các giá trị khoa học của khu công viên địa chất và khu danh thắng Mã Pì Lèng.
"Tôi quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải (rắn và lỏng) trong quá trình vận hành công trình. Trong vùng lõi di sản, việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra một cách nghiêm túc" - PGS-TS Đặng Văn Bài nói.
Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, UBND tỉnh Hà Giang cho biết sẽ thống nhất quan điểm sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama nhưng đó sẽ chỉ là điểm dừng chân, không có lưu trú. Việc cải tạo cần đảm bảo theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn; thứ hai là đảm bảo an toàn, thứ ba là về vệ sinh.
Dự kiến trong tháng 3-2020, bản thiết kế công trình Paranoma sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, sau đó sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa.