Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội vào năm 2010 toàn thành phố có 124 điểm ùn tắc giao thông thì tới nay năm 2016 giảm chỉ còn 41 điểm ùn tắc. Tuy vậy, tình hình ùn tắc giao thông vẫn có diễn biến phức tạp, năm 2016 xử lý được 20 điểm ùn tắc thì phát sinh thêm 17 điểm khác.
“Các điểm ùn tắc mới phát sinh có nguyên nhân do lưu lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, xung đột gây ùn tắc giao thông; một số công trình trọng điểm đang thi công gây cản trở giao thông…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, để giảm 83 điểm ùn tắc trong tám năm qua, Hà Nội đã phải triển khai hàng loạt giải pháp về hạ tầng cũng như phát triển giao thông công cộng như đưa vào sử dụng 10 cầu vượt nhẹ bằng thép lắp ghép tại các nút giao; hoàn thành dứt điểm và đưa vào khai thác hơn 80 công trình giao thông quan trọng, với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng.
Trong đó, đưa vào khai thác 20 bến, bãi đỗ xe, tiếp tục triển khai 16 bến, bãi đỗ xe điểm đỗ xe cao tầng bằng thép lắp ghép tự động và nhiều điểm đỗ xe, trông giữ xe khác, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại, đỗ xe ngày càng cao của nhân dân; hoàn thành tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã, dự kiến đưa vào hoạt động từ ngày 1-1-2017…
Tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay hiện tại Hà Nội sẽ tiếp tục huy động mọi lực lượng từ CSGT đến công an phường, dân phòng để giải tỏa ùn tắc trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên theo ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ý thức người dân tham gia giao thông cần phải được cải thiện để cùng với chính quyền giảm nạn ùn tắc giao thông xuống mức thấp nhất.
“Ở nước ngoài, ý thức giao thông của người dân cao mà lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý giao thông cũng rất lớn. Còn ở Hà Nội, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế. Chỉ cần ùn tắc là người dân sẵn sàng chen lấn, cho xe chạy lên vỉa hè" - ông Chung nói.
Cùng với đó, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm các giải pháp trong Nghị quyết 16 đã nêu. Yêu cầu Sở GTVT thực hiện phân luồng bến bãi xe khách liên tỉnh, Sở GTVT phối hợp với Công an TP theo dõi, đánh giá lại tình hình ùn tắc giao thông để tìm ra căn nguyên và có giải pháp hữu hiệu.
Đồng thời, ông Chung cũng kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Công an phối hợp với Hà Nội trong việc đảm bảo ATGT, Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội; các bộ, ngành sớm thực hiện việc di dời trụ sở ra khỏi nội đô theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện tình hình giao thông của thành phố. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng công tác giao thông trên địa bàn còn rất phức tạp. Do đó, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ. Tập trung quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía bắc tạo hành lang ATGT thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban ngành địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATGT. |