Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31-3, tuy nhiên đến sáng nay Hà Nội mới tổ chức công bố.
Cụ thể Hà Nội dự kiến sẽ huy động tổng mức vốn khoảng 1.235.380 tỉ đồng để phát triển giao thông trong vòng 30 năm tới. Trong đó nguồn vốn sẽ được phân kỳ theo ba giai đoạn: Từ nay đến năm 2020 huy động khoảng 476.000 tỉ đồng; từ năm 2020-2030 huy động khoảng 554.000 tỉ đồng; và sau năm 2030 sẽ huy động khoảng 204.000 tỉ đồng.
Trong tổng nhu cầu vốn trên, đường bộ chiếm khoảng 523.000 tỉ đồng; đường sắt chiếm hơn 646.000 tỉ đồng; đường thủy chiếm hơn 19,7 ngàn tỉ đồng; hàng không chiếm 45,3 ngàn tỉ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, nguồn vốn trên sẽ được huy động tổng hợp từ các nguồn lực khác nhau như vốn vay ODA; nguồn vốn ngân sách; vốn vay thương mại từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển của thủ đô Hà Nội; mở rộng các hình thức BT, BOT, PPP, BOO…
Bản đồ quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội.
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: "Việc Hà Nội công bố quy hoạch là sự kiện quan trọng, đồng thời quy hoạch này có tác động lớn, ảnh hưởng tác động cho phát triển KT-XH của Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và cả nước”.
Theo Phó Thủ tướng, Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ hơn bất kỳ đô thị nào của cả nước. Áp lực gia tăng dân số lên Hà Nội rất nặng nề, nếu không khắc phục vấn đề hạ tầng giao thông thì đây sẽ là nút thắt, hạn chế sự phát triển, gây áp lực cuộc sống của người dân, cũng như du khách về thủ đô.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần tập trung lập kế hoạch thực hiện cụ thể hóa quy hoạch, cân đối nguồn lực, đề ra lộ trình thực hiện. Ngoài ra, Hà Nội phải làm tốt công tác tuyên truyền về quy hoạch đảm bảo đồng thuận, đồng thời phối hợp các ngành địa phương đảm bảo thực hiện quy hoạch trên một cách thống nhất, đồng bộ.