Nắm bắt được nhu cầu đó, các nhà phát triển bất động sản cũng phát triển hàng loạt dự án để phục vụ nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị khi mà cao ốc mọc đến đâu thì hạ tầng phải chịu thêm nhiều gánh nặng.
Theo thống kê sơ bộ của CafeLand, tính đến tháng 5/2016 Tp.HCM có khoảng 55 dự án được chào bán ra thị trường, tăng khoảng 30% về số lượng dự án so với 5 tháng đầu năm 2015.
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng dự án có thể thấy khi dạo quanh các tuyến đường trong thành phố. Điển hình quanh khu sân bay Tân Sơn Nhất, “ông lớn” bất động sản Novaland đã đầu tư hàng loạt dự án như: Botanica Premier, Orchard Garden, Orchard Parkview, Gardengate, Golden Mansion,…
Bên cạnh đó là những tên tuổi khác như Hưng Thinh Corp với dự án Sky Center trên đường Phổ Quang, Kido Land với dự án Khu chung cư - Thương mại - Văn phòng Cộng Hòa Garden trên đường Cộng Hòa.
Một dự án đang được xây dựng tại quận 4. Ảnh: Nguyễn Văn
Hay như quận 4 - khu vực vốn ít được nhắc đến trên thị trường bất động sản vì giao thông thiếu thuận tiện với 3 mặt giáp sông, thường xuyên xảy ra ùn tắc và các vấn đề về an ninh.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi hệ thống kênh rạch được cải tạo, hạ tầng được nâng cấp, quận 4 dường như đang trở thành một khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản với hàng loạt dự án như: The GoldView, Grand Riverside, Riva Park, The Tresor, RiverGate,…
Tương tự, khu Nam thành phố cũng là nơi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản mà trọng tâm là quận 7 với nhiều dự án chung cư, nhà phố, đất nền.
Sự phát triển rầm rộ của các dự án, các khu vực nói trên đã xuất hiện tình trạng quá tải về giao thông, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối giờ chiều luôn xảy ra tình trạng kẹt xe.
Điển hình nhất về kẹt xe trong giờ cao điểm nhất hiện nay là cầu Kênh Tẻ nối với đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc quận 7, tuyến đường huyết mạch của khu Nam trong việc kết nối huyện Nhà Bè và quận 7 vào trung tâm thành phố.
Hay đường Hoàng Minh Giám đoạn tiếp giáp Công viên Gia Định cũng lên tục ùn tắc vào giờ cao điểm. Nhiều người lo lắng, khi hàng loạt chung cư được xây trên trục đường này đi vào sử dụng sẽ không biết hệ quả thế nào.
Theo các chuyên gia, mặc dù hạ tầng tại các khu vực đã được đầu tư nhiều song không đủ sức cõng lưu lượng khổng lồ người tham gia giao thông khi mà các dự án phát triển rầm rộ, các trường đại học được mở ra thu hút một lượng lớn cư dân.
Sự phát triển nhiều cao ốc, nhất là ở khu trung tâm thành phố góp phần không nhỏ gây áp lực lên hạ tầng giao thông không phải mới được nhắc đến. Thế nhưng đến nay thành phố vẫn thiếu những biện pháp cụ thể, ngay cả yêu cầu bảo đảm số chỗ đậu xe tối thiểu phục vụ cho cao ốc cũng không được nghiêm túc thực hiện.
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, vấn đề kẹt xe hiện nay không chỉ xảy ra ở quận 4 hay cụm sân bay mà cả những khu vực khác như ở phía Đông thành phố. Điều này đòi hỏi việc phát triển thị trường bất động sản phải đi đôi với phát triển hạ tầng.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các đường Vành Đai, bố trí thời gian di chuyển hợp lý cho các xe tải hạng nặng hoặc xe Container tránh vào giờ cao điểm, mở những đường mới cho các xe này di chuyển,…
Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng kẹt xe Chính phủ còn cần kết hợp nhiều biện pháp nữa mới mong mang lại hiệu quả. Trong đó việc quy hoạch đô thị cần được đặt lên hàng đầu. Cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội không theo kịp với việc phát triển cao ốc sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về địa chỉ email: batdongsanplo@gmail.com hoặc hotline: 0996 166177. |