Tiêm vắcxin bệnh dại cho chó nuôi trong nhà. (Ảnh minh họa: Xuân Trường/ TTXVN)
Theo điều tra của Sở Y tế Hà Nội, cả hai trường hợp này đều chưa được tiêm phòng bệnh dại, sau khi bị chó dại cắn chủ quan không đi tiêm phòng, nên sau đó đã phát bệnh dại lên cơn không thể cứu chữa được.
Theo chính quyền xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, địa bàn nơi xảy ra một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn trong tháng 5/2014, là một xã đông dân cư, mỗi gia đình đều nuôi từ 2-3 con chó, mèo.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó nơi đây mới chỉ đạt 23%. Tình trạng thả rông chó ra đường ở Sóc Sơn nói riêng và huyện ngoại thành diễn ra phổ biến.
Người dân các địa phương vẫn đang còn chủ quan trong việc phòng chống bệnh dại, không thực hiện tiêm phòng khi bị chó cắn.
Đối với hai địa phương có trường hợp tử vong vì bệnh dại lên cơn, Sở Y tế đã trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền xã và yêu cầu thực hiện nghiêm việc phòng, chống bệnh dại trên người, khuyến cáo người dân không chủ quan mà khi bị chó mèo nghi dại cắn, bệnh nhân phải rửa kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối để sát khuẩn. Sau đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định 05 về phòng chống bệnh dại trên động vật, trong đó quy định chó không được thả rông và phải được tiêm phòng bệnh dại, do đó các địa phương phải tổ chức tiêm phòng cho đàn chó theo quy định.
Biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh dại là nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc nuôi súc vật chó mèo, không thả rông bừa bãi, tuân thủ tiêm phòng dại cho chó mèo đầy đủ.
Cùng với đó, ngành y tế Hà Nội đẩy mạnh truyền thông, tập huấn cho cán bộ y tế huyện, xã trong công tác giám sát, phát hiện, chuẩn bị đầy đủ huyết thanh và vắcxin, tư vấn tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại cho người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội chỉ đạo tăng cường tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo./.
Theo Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)
Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)