Ngày 10-7, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho gần 800 tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kiến trúc sư của trường. Trong đó có 15 tiến sĩ, 137 thạc sĩ, còn lại là kỹ sư, cử nhân.
Tại đây, đáng chú ý trong đó là tân thạc sĩ Trần Võ Thảo Hương khi lần thứ hai được tuyên dương khen thưởng vì thành tích xuất sắc với mức điểm tốt nghiệp lên đến 9,36.
Trước đó, năm 2018, cô cũng đã xuất sắc tốt nghiệp loại giỏi với tổng điểm năm học là 8,94 và được giữ lại trường làm trợ giảng bộ môn Kỹ thuật hệ thống công nghiệp.
Thảo Hương được nhiều người biết đến trong trường và ví von như bông hoa “thép” của khoa Cơ khí vì luôn đi đầu, nỗ lực trong học tập, nghiên cứu và hoạt động phong trào của trường.
Thảo Hương nhận bằng thạc sĩ tại lễ tốt nghiệp.
Đáng nói, Thảo Hương cũng từng giành nhiều giải thưởng, danh hiệu cao trong mọi hoạt động như giải ba cá nhân và giải khuyến khích Olympic Cơ học toàn quốc môn Nguyên lý máy các năm 2015, 2016, 2017; danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương 2 năm liền (2015, 2016); danh hiệu Sinh viên xuất sắc toàn diện năm học 2014 - 2015 và danh hiệu Sinh viên giỏi toàn diện các năm học 2013 - 2014, 2015 - 2016, 2016 – 2017. Cô còn từng được danh hiệu Phụ nữ tiêu biểu TP.HCM giai đoạn 2011 - 2016.
Ngoài Thảo Hương, tân kỹ sư Nguyễn Phương Mẫn Tuệ (ngành Công nghệ Dệt May, khoa Cơ khí) cũng trở thành nhân vật đặc biệt tại lễ tốt nghiệp này.
Dù không phải là một trong những cá nhân được tuyên dương nhưng Mẫn Tuệ là sinh viên đã có thành tích vượt trội trong quá trình học tập tại trường. Tuệ cũng tốt nghiệp với mức điểm khá cao là 7,89.
Đặc biệt, trong 4 năm đại học, Mẫn Tuệ đã đi đến 3 nước: Ý, Singapore và Canada qua hình thức học bổng, trao đổi sinh viên ngắn hạn.
Mẫn Tuệ chia sẻ, chuyến đi đầu tiên của cô là đến Ý khi học năm 2. Đây là phần thưởng khi bài báo “Prospect of bamboo as a renewable fibre for textile" của Tuệ thuộc 4 bài báo xuất sắc nhất tại chương trình Italian Technology Award Training Course & Factory Visit. Và Tuệ được đến Ý trong vòng một tuần.
Đến năm ba, cô gái nhỏ lại quyết tâm chinh phục học bổng Temasek Foundation International Specialist's Community Action & Leadership Exchange (TFISCALE) 2018 và đến Singapore trong 3 tuần, trong chương trình giao lưu giữa sinh viên các trường đại học thuộc các nước ASEAN, với mục đích bồi dưỡng và tăng cường khả năng lãnh đạo, khả năng hội nhập và phát triển các kỹ năng mềm trong tương lai cho sinh viên.
Đến năm thứ 4 ở đại học, cô sinh viên tài năng tiếp tục trúng tuyển học bổng The Canada-ASEAN Scholarships and Educational Exchanges for Development (SEED) 2019 cấp bởi Chính phủ Canada dưới nguồn tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế (DFATD). Mẫn Tuệ quyết định kéo dài thời gian học để qua Canada trải nghiệm một học kỳ.
Mẫn Tuệ (bìa phải) cùng các bạn bè vui tươi trong lễ tốt nghiệp.
Mẫn Tuệ nhận hoa khen tặng từ phía nhà trường tại buổi lễ.
Trải nghiệm qua các nước, Mẫn Tuệ bày tỏ: “Có rất nhiều điều phải làm quen dù cho là những điều rất nhỏ nhặt đến từ cuộc sống bình thường. Khác biệt văn hóa, môi trường học tập hay là ngôn ngữ giao tiếp cũng là những vấn đề mà em gặp khó khăn trong khoảng thời gian đầu. Nhưng em nghĩ có lẽ khó khăn lớn nhất đó chính là quyết định bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để đón nhận những thử thách và hòa nhập vào một môi trường hoàn toàn mới lạ”.
Nói về Mẫn Tuệ, PGS.TS Bùi Mai Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt may nhận xét: "Một sinh viên có thể đến được nhiều quốc gia trên thế giới để học tập và nghiên cứu ngay trong thời gian 4 năm đại học ở Việt Nam là chuyện rất khó nhưng Mẫn Tuệ đã làm được. Nhà trường rất tự hào về em vì em đã chuẩn bị cho mình mọi thứ để chuẩn bị cho những chuyến bay xa, tự tin giao tiếp, hòa nhập với sinh viên bản xứ trong những năm còn ngồi trên ghế giảng đường".