Chiều 26-1, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị Hòa giải viên, Hội thẩm nhân dân nhằm tổng kết công tác trong năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024.
Trong năm 2023, công tác triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án của TAND hai cấp thành phố đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Kết quả đã giải quyết 2.200/3.868 đơn khởi kiện chuyển sang hòa giải, đối thoại, đạt tỉ lệ 56,86%. Trong đó, hòa giải thành 1.082 trường hợp, đạt tỉ lệ 49,1%.
Những vụ án không thực hiện hòa giải được chủ yếu là tranh chấp đất đai, thừa kế,... do đương sự không hợp tác, không cung cấp được đủ tài liệu chứng cứ về nguồn gốc đất. Tại TAND TP.HCM có tỉ lệ hòa giải, đối thoại thấp do hầu hết hồ sơ có yếu tố nước ngoài nên không tiến hành hòa giải được.
Tại Hội nghị, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đã trao quyết định bổ nhiệm cho 30 Hòa giải viên mới ở hai cấp tòa án. Trong đó, TAND TP.HCM có thêm 17 hòa giải viên cùng 13 hòa giải viên ở các tòa án quận, huyện. Nhiệm kỳ của các hòa giải viên là 3 năm kể từ ngày 1-1-2024.
Theo báo cáo, đối với công tác Hội thẩm nhân dân, trong năm qua, Hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử được 26.498 lượt, trong đó ở TAND TP.HCM là 3.260 lượt và TAND các quận, huyện là 23.238 lượt.
Khi tham gia xét xử, các vị Hội thẩm đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lắng nghe ý kiến, dư luận trong quần chúng nhân dân, đã đóng góp nhiều ý kiến chính xác, phù hợp với pháp luật cùng Tòa án giải quyết tốt các loại vụ án.
Lực lượng Hội thẩm nhân dân đã luôn giữ vai trò quan trọng trong công tác xét xử của tòa án. Số lượng Hội thẩm nhân dân ở hai cấp tòa án hiện nay là 1.040 vị, trong đó ở TAND TP.HCM là 89 vị. Thành phần của lực lượng Hội thẩm được bầu với đầy đủ cơ cấu theo quy định như: Giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan Đảng, Ủy ban MTTQ,…
Tuy nhiên, công tác Hội thẩm cũng còn một số khó khăn như đa số Hội thẩm là người làm công tác kiêm nhiệm nên không thể thường xuyên tham gia xét xử theo lịch tòa án; Các chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa tương ứng với công việc và trách nhiệm phải thực hiện;….
Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đánh giá cao công tác hòa giải, đối thoại tại tòa của đội ngũ hòa giải viên ở hai cấp tòa án. Các hòa giải viên là những người có kinh nghiệm, uy tín, giúp Tòa án giải quyết nhiều vụ việc, giảm khối lượng các vụ án phải đưa ra xét xử.
Đối với công tác Hội thẩm, Chánh án Lê Thanh Phong chia sẻ: “Những năm qua, chúng ta đã có những cải cách tư pháp rất mạnh mẽ. Tiếng nói và ý kiến của các vị Hội thẩm nhân dân đã góp phần đáng kể để làm rõ những vấn đề trong phiên tòa xét xử cũng như trong việc ra phán quyết.
Trong năm 2024, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử các vụ án lớn, vì vậy rất cần sự chung tay của các vị Hội thẩm nhân dân. Chúng ta cải tiến công việc một cách khoa học, hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng công việc trong thời gian tới".