Hải Phòng - Những nốt lặng lấy chồng Hàn

NTH (sinh năm 1988, huyện An Dương) lấy chồng Hàn Quốc từ cuối năm 2016, hiện đang học tiếng Hàn và đợi thủ tục để đoàn tụ với chồng. Từ một cô dâu Việt lấy chồng Hàn, H. bây giờ trở thành người giới thiệu các cô gái trẻ cho các “mối” ở Hải Phòng. Theo phân cấp, H. là một “madame”, tức người trực tiếp dẫn các cô gái đi tuyển chồng, còn “mối” là người gom các cô gái từ nhiều “madame” để giới thiệu cho công ty môi giới.

Cuộc tìm hiểu chưa đầy năm phút

H. dẫn tôi đi tuyển chồng Hàn Quốc. Cùng đi với tôi có một cô sinh năm 1995. Hôm đó H. nói có bốn “mối” cùng về Hải Phòng một lúc.

Khi tôi đến phỏng vấn, nhiều cô gái trẻ do các “madame” khác dẫn mối cũng đến cùng. Mỗi “madame” có khoảng 2-3 cô gái đi tuyển chồng. Hầu hết mọi người đều nhìn về một căn phòng trên tầng hai của căn nhà ở đường Lê Hồng Phong. Người phiên dịch cứ khoảng năm phút lại mở cửa và gọi một cô gái lên phòng. Chú rể là người đàn ông trong căn phòng kín “mới có 42 tuổi”, theo như vị đại diện nói.

Khi tôi được vào phỏng vấn, phiên dịch hỏi tôi về thông tin cá nhân. Tôi trả lời 35 tuổi và đã có con nhỏ. Người đàn ông Hàn Quốc cao, béo, cử chỉ có vẻ thiếu nhanh nhẹn nhìn tôi rồi trao đổi với phiên dịch. Phiên dịch nói lại với tôi rằng ông ta không muốn lấy vợ nhiều tuổi và có con ở Việt Nam. Ông ta không cho tôi nói một lời nào sau đó, phẩy tay kiểu “thôi về đi”.

Các cô gái cùng đợt với tôi ngay cả phỏng vấn xong rồi cũng không biết gì về chú rể. Còn chú rể thì đại loại cũng chỉ nhìn tướng mạo các cô rồi hỏi tuổi, hỏi trước đây có chồng chưa…

Tôi tìm sang địa chỉ ở chợ Rế, huyện An Dương. Mối không cho địa chỉ cụ thể mà chỉ đi taxi đến đón chúng tôi vào một khách sạn. Lần này là chú rể sinh năm 1977, ở Busan, là đầu bếp, chưa lập gia đình bao giờ.

Trong số các “madame” tôi gặp ở các cuộc phỏng vấn cô dâu, H. là “madame” “lành” nhất. Cô luôn dặn “gà” của mình: “Nếu có trúng thì đừng đóng tiền cho công ty nhé! Phải trì hoãn cho đến khi làm xong các thủ tục thì nói không đủ tiền đóng. Cứ nói đợi người ta gửi tiền cho thì mới đóng tiền cho công ty được”. Sở dĩ có việc H. dặn như vậy là vì như H. từng bị công ty môi giới “thịt” của mình 20 triệu đồng tiền lệ phí. Sau đó, cô tìm hiểu ra thì các cô dâu không mất đồng lệ phí nào cả. Đây là khoản các công ty và các mối câu kết với nhau để lấy của các cô dâu.

Thông thường, đám cưới giữa các cô dâu Việt với chú rể Hàn sẽ diễn ra rất chóng vánh. Chỉ cần hai bên gật đầu thì chỉ sau một ngày đám cưới sẽ được tổ chức tại một khách sạn. Sau đó, chú rể sẽ trở về Hàn Quốc và cô dâu ở lại Việt Nam để học tiếng Hàn và làm các thủ tục cần thiết. Như H., cô được anh chồng trang bị cho một chiếc smartphone để trao đổi thông tin qua Zalo. H. nói: “Em chẳng yêu đương gì ông chồng Hàn Quốc đâu. Ở quê em cũng đang yêu một người, mỗi lần đi chơi với người yêu, em phải tháo nhẫn cưới và chọn thời điểm chồng không gọi Zalo. Em sang đó để lấy tiền nuôi con và trả nợ”. H. cũng đã có một đời chồng và một đứa con gái.

Bức ảnh V. đứng vui vẻ thế này đã khiến cha mẹ V. nghĩ con mình rất hạnh phúc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nước mắt cô dâu Việt ở xứ Hàn

Các trường hợp cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc theo đường chính thống, tức là được tư vấn bởi hội phụ nữ rất ít, chủ yếu do người quen giới thiệu nên tin tưởng.

NTV (quê xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) là một trường hợp như thế. Cô lấy chồng Hàn Quốc từ năm 18 tuổi. Nhờ có nét xinh xắn của những cô gái Hàn nên V. đã trúng ngay trong lần tuyển đầu tiên. Chị của V. kể về việc lấy chồng Hàn Quốc của em mình: “Trong vòng một ngày mọi thủ tục đã xong hết. Ông cậu ruột đưa em gái tôi đi tuyển chồng và trúng ngay. Tôi phản đối kịch liệt nhưng mọi việc diễn ra nhanh quá, tôi không thể thuyết phục được gì. Nó 18 tuổi, lấy ông hơn 40 tuổi. Rồi khi nó sang đó, nó chịu rất nhiều thiệt thòi. Nó tâm sự muốn về Việt Nam nhưng vướng con nhỏ...”.

Trò chuyện với tôi, V. kể rất nhiều chuyện buồn: “Khi sang đây, em không biết gì. Vợ chồng em thường xuyên cãi nhau. Em đã có một bé gái gần bốn tuổi. Khi em sinh xong, nhà chồng kiếm cớ ngược đãi em. Em cũng đi làm quần quật nhưng họ không tôn trọng mình, họ chỉ muốn kiếm người đẻ con. Em bị đánh đập nhiều nên chuyển ra ngoài sống. Chồng em không cho em nuôi con. Em phải mất rất nhiều thời gian tại tòa để giành giật quyền được nuôi đứa con. Gia đình nhà chồng bịa chuyện em đi ngoại tình và bỏ bê con cái. May mắn là pháp luật bên Hàn Quốc chứng minh được em không làm chuyện sai quấy nên cho em có quyền nuôi con” - V. tâm sự.

Tôi hỏi V. sao không về Việt Nam, V. buồn bã: “Đi rồi về không có gì trong tay thì em không dám nhìn mặt ai. Còn bố mẹ, anh chị em ở quê, họ không chịu được việc em quay về như vậy đâu. Em ở Hàn Quốc cố gắng làm ăn, lấy hàng từ Hàn Quốc về cho chị gái bán ở Việt Nam để tăng thu nhập. Bao giờ em có đủ vốn về Việt Nam làm ăn và giành được quyền nuôi con chính thức thì em mới về”.

Tiếp xúc với bố mẹ V., tôi thấy họ vẫn rất tự hào về cô con gái lấy chồng Hàn. Họ khoe rằng con gái họ vẫn vui vẻ, hạnh phúc bên xứ người (?).

Một trong những môi giới lấy chồng Hàn Quốc. Ảnh: HĐ

Kiếp sống chui lủi của cha mẹ cô dâu Việt

Nhiều trường hợp con gái ổn định ở quê chồng, cha mẹ vợ sang thăm con rồi họ được con gái tìm việc làm chui ở các nhà máy nhỏ hoặc các khu trang trại trồng trọt xa các trung tâm thành phố.

Bà Nguyễn Thị Đ. ở huyện Thủy Nguyên có con gái lấy chồng Hàn được năm năm. Sau khi con sang Hàn Quốc theo chồng được hơn một năm thì bà cũng sang để chăm sóc con gái của bà sinh cháu. Sau một năm bà về lại Việt Nam. Rồi bà tiếp tục làm thủ tục sang Hàn Quốc thăm con ngay sau khi về nước. Lần sau bà sang là để đi làm.

Bà Đ. kể: “Con rể phải làm bảo hiểm và tìm kiếm công việc cho cha mẹ vợ nên mình cũng phải ý tứ rất nhiều”. Theo bà Đ., ở Hàn Quốc xin việc rất dễ. Những nhà máy nhỏ hoặc những trang trại thường nhận người già mang quốc tịch Việt Nam dưới 70 tuổi vào làm. Lương mỗi tháng khoảng 1 triệu won, tương đương 20 triệu đồng. “Người Việt Nam như chúng tôi ở Hàn Quốc nhiều lắm nên thường quây tụ lại ăn ở, sinh hoạt với nhau. Chúng tôi làm việc vất vả rồi về nằm lăn lóc trong những vỏ container như đàn lợn, sáng dậy lại đi làm” - bà Đ. kể.

Bà Đ. làm công việc tách gân chân gà cho một nông trại ở một vùng quê mà chính bà không biết ở đâu, chỉ biết cách rất xa nhà con gái. Đưa bàn tay sưng vù ra, bà kể: “Tôi về được hơn một tháng rồi mà tay vẫn chưa hết đau. Hầu hết người làm công việc này hôm nào về cũng phải xoa dầu vì dao tách chân gà làm bị thương”.

Vì đi làm chui nên những ông bố, bà mẹ vợ Việt luôn thấp thỏm một nỗi lo bị bắt và bị trả về nước. Hai vợ chồng ông Th., bà H. ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên mới bị bắt đầu năm 2014 và bị đưa về nước ngay sau đó. Ông bà kể: “Cảnh sát bắt được những lao động chui như chúng tôi sẽ phạt công ty 1 triệu won, phạt con rể 1,5 triệu won. Họ sẽ cho chúng tôi về Việt Nam, không bao giờ được sang lần thứ hai. Họ nhốt chúng tôi ba ngày rồi buộc ra sân bay ngay”.

Muốn lấy chồng Hàn phải có “5 biết”

PV báo Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp cho Trung tâm Trợ giúp pháp luật của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hải Phòng về những địa điểm các công ty và các mối tổ chức chui ở đường Lê Hồng Phong và An Dương. Đại diện trung tâm cho biết sẽ tìm hiểu và phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết sự việc.

Theo bà Mai Nhung, đại diện Hội LHPN TP Hải Phòng, từ năm 2006 đến nay Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội LHPN TP đã tư vấn trực tiếp cho trên 7.000 trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc.

“Thông qua việc tư vấn cho các chị em, chúng tôi nhận thấy đa số cuộc hôn nhân với chồng Hàn Quốc của các chị em trong tình trạng “4 không”: Không biết tiếng Hàn; không hiểu truyền thống văn hóa; không hiểu hoàn cảnh gia đình chú rể, thậm chí cả bản thân chú rể và cuối cùng là không có điều kiện đảm bảo hạnh phúc.

Chúng tôi đặc biệt lưu ý các cô gái trước vấn đề nhận thức khi lấy chồng Hàn. Các cô gái phải hiểu rõ về “5 biết”: Biết ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán; biết tình trạng sức khỏe của người sẽ kết hôn; biết hoàn cảnh gia đình của người sẽ kết hôn; biết pháp luật hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân thành công và thất bại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…